Tiêu dùng
Hơn 4.000 tỷ đồng được giao dịch mỗi ngày trên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam
Hoài Sương - 13/01/2024 09:11
Tổng kết năm 2023, giá trị giao dịch trung bình tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đạt trên 4.000 tỷ đồng mỗi ngày. Đặc biệt, có những ngày giao dịch ghi nhận giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng.

Ngày 12/1, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã tổ chức hội thảo “Mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa - Giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận” nhằm cung cấp thêm thông tin để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân thấy rõ những lợi ích khi tham gia mua bán trên sàn giao dịch hàng hóa.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) được Bộ Công thương thành lập năm 2010 và là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Với Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sàn giao dịch hàng hóa của Thủ tướng Chính phủ, hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán theo hình thức này đã thực sự thông thoáng như các sàn giao dịch quốc tế.

Các chuyên gia đánh giá cao sàn giao dịch hàng hóa khi mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp.

Trong 5 năm gần đây khi được Bộ Công Thương cho phép liên thông giao dịch với thế giới, thị trường đã trải qua giai đoạn phát triển mạnh. Tính đến hết tháng 8/2023, đã có hơn 30.000 tài khoản đăng ký và thực hiện giao dịch, tăng 20% so với năm 2022. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 4.000 tỷ đồng mỗi ngày, phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gia Cát Lợi, Thành viên Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, hoạt động giao dịch thông qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều biến chuyển với 26 mặt hàng thuộc năm nhóm hàng hóa được giao dịch và kết nối 8 Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới.

“Đến thời điểm này, có thể nói hoạt động giao dịch liên thông với thế giới đã đi vào ổn định. Ở năm 2023, MXV đã tập trung nghiên cứu và đẩy mạnh việc xây dựng các Sàn giao dịch hàng hoá chuyên biệt dành cho các sản phẩm có thế mạnh của VIệt Nam như: Sàn giao dịch tín chỉ Carbon, sàn giao dịch cao su hợp tác với Tập đoàn Cao su Việt Nam, sàn giao dịch cà phê hợp tác với Dubai Chambers”, ông Thịnh chia sẻ.

Mới đây, MXV đã ký kết hợp tác với Sở Công thương TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM xây dựng đề án thành lập Sàn giao dịch thịt heo tại TP.HCM. Sàn giao dịch thịt heo sẽ vận hành với mục tiêu đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và giúp thị trường không còn chịu sự chi phối của các thương lái.

Theo ông Phạm Hải Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, với sàn giao dịch hàng hóa thì doanh nghiệp có thể giao dịch nhanh chóng bằng phương thức điện tử nên chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể buôn bán với toàn thế giới, cũng như yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không lo sự biến động giá cả của thị trường. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có thể tham gia kinh doanh, đầu tư hàng hóa phái sinh.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, Sở chưa phát huy thế mạnh của trong việc phát triển nông nghiệp và tạo lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Hiện MXV chưa được quy định mã ngành, nghề kinh tế riêng, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường.

Do đó, theo ông Hiển, để đẩy mạnh phát triển Sở Giao dịch hàng hóa nói chung, sàn giao dịch nông sản nói riêng cần chuẩn hóa sản xuất nông sản, hệ thống tổng kho – giao nhận logistics để hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, sàn giao dịch nông sản phải đặt tại Trung tâm tài chính quốc gia (Hà Nội, TP.HCM) mới thu hút lực lượng đầu tư tài chính trong nước và quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác