Doanh nghiệp
Hơn 500 container phế liệu bị trục xuất khỏi Việt Nam
Thế Hoàng - 12/08/2019 19:05
Theo thông tịn từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6 đã có 503 container khai báo trên manifest là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu được hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
289 container phê liệu nhựa, 106 container phế liệu giấy, 98 container phế liệu sắt và 10 container phế liệu khác đã bị trục xuất khỏi Việt Nam

Cụ thể, số lượng container phế liệu nhựa là 289 container, phế liệu giấy là 106, phế liệu sắt là 98 và phế liệu khác là 10.

Tính đến ngày 28/6, số lượng container hàng hóa là phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển là 12.272 container, trong đó, số lượng container phế liệu lưu giữ trên 90 ngày là 7.450, số lượng container phế liệu lưu giữ tại cảng biển từ 30 đến 90 ngày là 14, số lượng container phế liệu lưu giữ tại cảng biển dưới 30 ngày là 4.808.

Đối với các lô hàng phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển, các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn đang tiếp tục đến nhận hàng và thực hiện làm thủ tục hải quan nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố kiên quyết buộc các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đã bị xử lý mạnh tay. Mới đây, Công ty CP Vĩnh Thành (tỉnh Hưng Yên) đã bị Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan khởi tố và chuyển giao hồ sơ cho Công an tỉnh Hưng Yên điều tra về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".  Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định này.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016 Công ty CP Vĩnh Thành đã sử dụng giấy tờ giả nộp cho Cục Hải quan TP. Hải Phòng để nhập khẩu trái phép tới 1.000 tấn phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Như vậy, tính từ cuối năm 2018 đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu bị cơ quan chức năng khởi tố.

Việt Nam đang là điểm đến của nhiều loại phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành sản xuất công nghiệp. Cụ thể, hàng tỷ USD đã được chi để nhập phế liệu trong năm 2018, chủ yếu là phế liệu sắt thép, phế liệu nhựa, giấy và một số loại khác.

Trong đó, nhiều nhất là sắt thép với số lượng 5,7 triệu tấn tương đương trị giá 1,9 tỷ USD, tăng 39,9% so với năm 2017 (năm 2017, kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD), phế liệu nhựa là 615.000 tấn, trị giá 142 triệu USD

Bộ Công Thương

Năm 2018, thị trường phế liệu trên thế giới có nhiều biến động. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế gồm 8 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 4 loại phế liệu quặng và 1 loại phế liệu giấy (trong đó có một số mã phế liệu nhựa và giấy trùng với danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nên một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng số lượng các container tồn đọng tại các cảng biển và ảnh hưởng đến hoạt động của một số cảng.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan chủ động tăng cường công tác quản lý đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Các Bộ ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý nhập khẩu phế liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tin liên quan
Tin khác