Nhiều doanh nghiệp đã được vay vốn từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp |
Theo thống kê của NHNN TP. HCM, chỉ tính riêng 9 tháng năm 2015, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã cho vay gần 3.500 khách hàng với tổng vốn cam kết đạt trên 106 nghìn tỷ đồng. Tính từ khi triển khai (năm 2012) đến nay, đã có hơn 6.300 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được vay vốn tín dụng từ chương trình.
Năm 2012, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng gần như đóng băng, tình trạng mất niềm tin giữa ngân hàng với doanh nghiệp tăng cao (nợ xấu thời điểm tháng 9/2012 là 17%). Khi đó, TP. HCM đã đưa ra sáng kiến kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Theo đó, ngân hàng và các cấp chính quyền địa phương đã gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời như: cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại các khoản nợ, cho vay tín chấp...
Qua 3 năm thực hiện, Nhận xét về chương trình này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá, kết quả Chương trình đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, giải quyết việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh, dịch vụ; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Đã có hơn 6.300 doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh được vay vốn tín dụng từ chương trình.
Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Quang Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Ngân Hải (Quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Trước đây công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó một phần là do lãi suất ngân hàng cao, lên tới 20%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2012, Công ty đã được tiếp cận vốn từ chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Nguồn vốn này chẳng khác nào chiếc phao cứu sinh, là điểm tựa cho doanh nghiệp sử dụng những đồng vốn ưu đãi đó để sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, từ đó giúp doanh nghiệp vững tin hơn trong phát triển và hội nhập.
Theo TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp là một cách làm hay và hiệu quả. Thời điểm đó, nếu ngân hàng không tiếp tục cho doanh nghiệp vay thì không cứu họ được. Doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng mất tiền. Mối quan hệ doanh nghiệp và ngân hàng là mối quan hệ cùng thành, cùng bại. “Tôi cho rằng đây là làm cách của riêng Việt Nam, là một cách làm sáng tạo và đã giải quyết được vấn đề”, ông Lịch đánh giá.
Từ những kết quả đạt được từ TP. Hồ Chí Minh, đến nay, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được nhân rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Đến nay, các tỉnh, thành đã tổ chức được trên 440 hội nghị đối thoại nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm các hình thức: cho vay mới, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại các khoản nợ cũ…
Tổng cộng từ khi triển khai đến hết tháng 9/2015, tổng số tiền cho vay theo chương trình đạt trên 570.000 tỷ đồng với hơn 38.000 khách hàng doanh nghiệp và hơn 122.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình...). Trong đó, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 500.000 tỷ đồng; Gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ,… với dư nợ gần 70.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay mới phổ biến 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1% so với năm trước.
Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 28/10/2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện so với năm trước, trong đó chỉ số tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc (từ 36 lên 28). Kết quả này phản ánh sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng, trong đó chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được xem như là điểm đột phá, sáng tạo và hiệu quả.