Ngân hàng
Hơn 60% khách hàng dùng điện sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử
Hoàng Minh - 24/07/2017 20:33
Cộng tác với 22 ngân hàng và 8 đối tác thu hộ giúp tỷ lệ thu tiền điện qua ngân hàng và các điểm thu ngoài trên địa bàn TP.HCM đạt 80,25% về số khách hàng, tương ứng 86,8% về doanh thu.
.

Hết thời gõ cửa nhà thu tiền điện

Phương châm “hai nhớ” với dễ nhớ, dễ sử dụng đã được Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) đặt lên hàng đầu trong chăm sóc khách hàng.

Tính tới thời điểm hiện nay, việc thu tiền điện tại TP.HCM đã đáp ứng dịch vụ trực tuyến cấp độ 4, dẫn đầu trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Kết quả này có được là nhờ EVN HCMC đã ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ trong các hoạt động của đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc cho hay, từ năm 2014, việc áp dụng hoá đơn điện tử đã được triển khai và tới nay đã phủ sóng 100%,  tới trên 2,2 triệu khách hàng của đơn vị. Đồng thời, việc đa dạng hoá hình thức thanh toán tiền điện qua các kênh giao dịch điện tử như SMS/Mobile Banking, Internet Banking, ví điện tử đã được triển khai. Tỷ lệ thu qua ngân hàng và các điểm thu ngoài đạt 80,25% về số khách hàng; 86,8 về doanh thu, trong đó có 60,51% khách hàng thanh toán qua các hình thức điện tử.

Nhờ việc thanh toán điện tử được áp dụng rộng rãi trong khách hàng dùng điện, hơn 390 người lao động trước đây làm công tác thu ngân của EVN HCMC đã được bố trí sang các công việc khác.

Khâu ghi chỉ số công tơ vốn tốn nhiều nhân công trước đây bởi thực hiện bằng biện pháp thủ công cũng không còn làm khó EVN HCMC. “Việc thu thập số liệu hoàn toàn tự động, biểu đồ tiêu thụ điện được theo dõi trực tuyến, giám sát và điều hành đều thuận lợi, linh hoạt, giúp tiết giảm được thời gian và nhân lực trong công tác ghi chỉ số hàng ngày”, ông Thanh nói.

EVN HCMC cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành điện ứng dụng phần mềm trong quản lý vận hành và chăm sóc khách hàng, giúp nhân viên điện lực dễ dàng tìm được vị trí nhà và thông tin cụ thể để ra quyết định nhanh chóng, kịp thời. Ứng dụng công nghệ OTT trên thiết bị di động được sử dụng để từ đó gửi thông tin, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng mà không tính phí. Hiện nay ứng dụng này đã được nâng cấp với tính năng định vị điểm thanh toán gần vị trí khách hàng đang dùng thiết bị, để khách hàng có thể trả tiền bất cứ lúc nào.

Trạm 110 kV không người trực

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và độ tin cậy trong cung cấp điện, EVN HCMC đã thực hiện đầu tư để đóng kết mạch vòng 100% cho 603 tuyến dây trung thế và đáp ứng tiêu chí N-1, tức là có một đường dây dự phòng luôn sẵn sàng để cấp điện cho các khu vực bị sự cố đột ngột.

Cũng để nâng cao năng suất lao động, EVN HCMC đã và đang triển khai chuyển đổi mô hình các trạm biến áp 110 KV không người trực, trên cơ sở trang bị hệ thống SCADA để điều khiển xa toàn trạm, hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, hệ thống camera giám sát an ninh.

Tới thời điểm hiện nay, theo ông Thanh, đã thực hiện hoàn tất tại 28/50 trạm hiện hữu. “Trong năm 2018 sẽ hoàn tất các trạm còn lại”, ông này nói.

Cùng với triển khai trạm 110 kV không người trực, EVN HCMC cũng đang thực hiện kế hoạch tự động hoá lưới điện phân phối 22 kV. Mục tiêu được đặt ra là trong năm 2017, sẽ thực hiện điều khiển từ xa 50% các phát tuyến trung thế (khoảng 300 tuyến theo mô hình mini SCADA), trong đó 10% vận hành tự động thông qua việc lắp đặt và đưa vào vận hành từ xa 1.111 recloser và 109 RMU có chức năng SCADA. Khối lượng công việc còn lại sẽ được hoàn tất trong giai đoạn 2018-2019.

Cũng để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện do thao tác trên lưới, công nghệ thi công trên đường dây đang mang điện (live – line working) đã được ứng dụng. “Giai đoạn năm 2014-2015, EVN HCMC đã đạt được việc giảm thời gian cắt điện từ 8 tiếng xuống còn 3-4 tiếng/lần. Năm 2016, việc triển khai sửa chữa mà không cần cắt điện được bắt đầu thực hiện. Năm 2017, mục tiêu là mất điện 1,5 lần, tới năm 2018, mục tiêu cao hơn với tối đa chỉ được cắt điện 1 lần và tiến tới năm 2019 không cho phép cắt điện để thực hiện công tác trên đường dây thuộc địa bàn TP.HCM, trừ các lưới điện đặc thù”, ông Thanh cho hay.

Để đạt mục tiêu này, EVN HCMC đã mua bổ sung 7 xe gàu live - line 22kV, nâng số đội thi công từ 5 lên 10 đội. Trong nửa đầu năm 2017, đã có 1.435 lượt thi công trên đường dây đang mang điện được thực hiện. “Một chiếc xe phục vụ sửa chữa live-line có giá khoảng 7 tỷ đồng, nhưng chỉ trong 2 năm đã lấy lại được vốn, bởi không mất điện thì có sản lượng, tạo ra doanh thu”, ông Thanh nói.

Không chỉ làm cho mình, EVN HCMC cũng đào tạo việc thi công trên đường dây đang mang điện cho 146 nhân sự của các đơn vị khác trong khối phân phối điện và cho đối tác nước ngoài là Công ty Điện lực Indonesia (PLN).

Ngoài ra, EVN HCMC đã tự nghiên cứu và chế tạo thành công 21 bộ vệ sinh cách điện 110 kV và 22 kV bằng nước áp lực cao để rửa sứ online trên đường dây vẫn mang điện, nhằm giảm thời gian cắt điện phục vụ công tác bảo dưỡng, bảo trì hệ thống, góp phần giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy trong cấp điện.

Trong số các nỗ lực áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật để tăng năng suất lao động tại EVN HCMC, sự ra đời của Trung tâm điều khiển từ xa đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hạt nhân của Trung tâm điều khiển là hệ thống SCADA/DMS hiện đại với nhiều trang bị có chức năng tiên tiến để giám sát, tính toán, tối ưu hoá quản lý hoạt động các khu vực lưới điện thông minh. Theo kế hoạch, Trung tâm sẽ chính thức vận hành từ tháng 8/2017, sau khi đã được vận hành thí điểm từ tháng 5/2017 trước đó.

Tin liên quan
Tin khác