Quốc tế
Hơn 80 quốc gia đã nâng lãi suất, kinh tế toàn cầu đối mặt suy thoái?
Tư Thuần - 26/09/2022 07:36
Các quốc gia trên toàn cầu đang mạnh tay nâng lãi suất nhằm chống lại lạm phát. Vậy cái giá phải trả là gì?

Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo, việc chống lại lạm phát có thể mang tới “một số đau đớn” đối với kinh tế Mỹ, khi lãi suất cao hơn khiến thị trường việc làm tăng trưởng chậm hơn, chi phí vay mượn đắt đỏ hơn và có thể dẫn tới làn sóng giảm nhân sự. 

Chủ tịch Fed đã bày tỏ quan điểm rõ ràng, rằng Fed sẵn sàng chấp nhận một số tình trạng không lấy làm dễ chịu của nền kinh tế, thậm chí suy thoái, để chấm dứt tình trạng giá cả tăng và lạm phát vượt mức mục tiêu.

Hiện tại, Chủ tịch Fed không đơn độc. Ngân hàng trung ương tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, bao gồm Anh, các quốc gia châu Âu, Canada, Indonesia… đều đang có động thái tương tự: nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, theo số liệu của World Bank. Tình trạng thắt chắt tiền tệ trên quy mô rộng toàn cầu lần đầu tiên lại xuất hiện sau 5 thập kỷ, khi lạm phát vượt mục tiêu của nhiều quốc gia và nhiều khả năng tình trạng này không sớm chấm dứt.

Tình trạng lạm phát tại thị trường toàn cầu (đường màu đen), các nền kinh tế phát triển (đường màu đỏ) và các thị trường đang phát triển (màu vàng) kể từ năm 2019 tới nay

Cho tới nay, những dấu hiệu đầu tiên của kinh tế giảm tốc đã xuất hiện. Thực tế, các doanh nghiệp đã sớm cảm nhận nỗi đau khi lãi suất được nâng lên. Vào ngày 15/9, FedEX thông báo giảm mức doanh thu dự kiến cho cả năm 2022, cảnh báo nhà đầu tư rằng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể khiến doanh thu của Công ty giảm 500 triệu USD so với mức mục tiêu đưa ra trước đó.

Trả lời phỏng vấn CNBC, Raj Subramaniam - CEO FedEx cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào suy thoái và điều đó khiến các doanh nghiệp tổn thương.

Trong số 500 công ty thuộc S&P 500, 240 doanh nghiệp đã đề cập bối cảnh “suy thoái” trong báo cáo kinh doanh mới nhất của mình, theo số liệu thống kê của FactSet. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2010 - khi FactSet bắt đầu theo dõi các báo cáo về vĩ mô của doanh nghiệp cho tới nay.

Các thị trường tài chính cũng phản ứng mạnh mẽ trước thông tin này. Thực tế, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 20% so với mức đỉnh gần nhất đạt vào năm 2021.

Doanh thu giảm sút, lợi nhuận đi xuống sẽ buộc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược. Các công ty có xu hướng cắt giảm chi phí để bảo vệ biên lợi nhuận khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, trong đó có biện pháp giảm số lượng nhân viên. Cho tới nay, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự, bao gồm những cái tên như Walmart, Gap, Best Buy, Bed Bath & Beyond… trong những tuần vừa qua.

Hơn 80 quốc gia khác cũng đang trải qua tình trạng như nước Mỹ: Lạm phát ở trên mức mục tiêu, buộc ngân hàng trung ương điều chỉnh nâng lãi suất, hy sinh các lợi ích kinh tế. Theo nghiên cứu mới nhất của World Bank, tình trạng lạm phát cao có thể duy trì lâu hơn dự kiến, nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào suy thoái năm 2023 trước khi hồi phục vào năm tiếp theo. Nhiều việc làm sẽ mất đi, lãi suất cao hơn khiến không ít tổ chức vay nợ rơi vào khủng hoảng và việc phục hồi sau đại dịch có thể tạo thêm những nỗi đau.

Tin liên quan
Tin khác