Cuộc tranh luận về con số 480 tỷ USD được nhắc tới trong Dự thảo Đề án Tái cơ cầu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ đang trình Quốc hội đã giảm nhiệt sau gần một tuần diễn ra sôi nổi. Các chuyên gia trực tiếp tham gia Đề án đã lên tiếng giải thích rõ, đây là dự toán tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 dựa trên Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua.
“Không thể có một con số nào được đưa ra để thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu cả”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh.
Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Ảnh: Chí Cường |
Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là không cần nhắc tới tiền hay các chi phí sẽ phát sinh khi thực hiện các đầu việc cụ thể. Ông Cung phân tích, một số hoạt động cụ thể, như xử lý nợ xấu sẽ cần tiền, nhưng cũng có hoạt động lại thu về nguồn lực, như cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
“Nhiệm vụ của tái cơ cấu là đưa ra các giải pháp với chi phí bỏ ra để xử lý nợ xấu phải thấp hơn lợi ích mà nền kinh tế thu lại được. Khi đó, các con số cụ thể sẽ được tính toán. Hay các nguồn thu được từ thoái vốn nhà nước ra khỏi Vinamilk, Habeco, Sabeco... cũng sẽ được tính toán đầu tư vào đâu để cơ cấu lại danh mục đầu tư của Nhà nước sau khi chuyển lại cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, chứ không phải đưa về ngân sách, đổ vào chi tiêu thường xuyên. Việc phải làm rõ lúc này là cách làm, quyết tâm phải làm thực chất”, ông Cung giải thích.
Ông Cung và những chuyên gia chắp bút cho Đề án đang lo những ý kiến không chuẩn xác, làm sai lệch mục tiêu tái cơ cấu sẽ ảnh hưởng tới các đại biểu Quốc hội - những người đang nắm trong tay quyền quyết định con đường đi tới của nền kinh tế Việt Nam.
Đó là lý do Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2016 do CIEM tổ chức cuối tuần qua đã không chỉ dừng lại ở các vấn đề hiện hữu. Ngay cả câu hỏi tại sao đầu tư của khu vực tư nhân trong nước trong 3 quý đầu năm 2016 lại tăng chậm, thấp hơn kế hoạch cũng đã được các chuyên gia của CIEM thẳng thắn đưa ra. Việc này không chỉ đánh động tới các nhà hoạch định chính sách, cơ quan điều hành trong quý còn lại của năm, mà rộng hơn, làm dấy tiếp lên câu hỏi tại sao dòng vốn này chưa được khơi thông trong khi nguồn lực được cho là khá dồi dào.
Theo con số chính thức của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2016, khu vực dân cư - tư nhân đã đầu tư 387.700 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy con số này đang dẫn dầu trong các kênh vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng so với 620.000 tỷ đồng mục tiêu cả năm, thì khoảng cách còn rất xa.
Câu trả lời không đơn giản là năng lực của khu vực kinh tế này, vì nợ xấu không còn là nợ xấu của các tổ chức tín dụng nữa, mà là nợ xấu của nền kinh tế. Bài toán được đặt ra trong Đề án không phải là “cứu ông nọ hay ông kia”, mà là cứu nền kinh tế đang lâm vào tình trạng trì trệ vì không huy động được vốn, trong đó, doanh nghiệp tư nhân là đối tượng đầu tiên gánh chịu hệ lụy khi không thể có mức giá vốn hợp lý.
Vì “kinh tế nhà nước là chủ đạo”, dẫn đến ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước, tạo nên sự méo mó trong phân bổ nguồn lực. Nghiên cứu của Baccini và cộng sự (2015) cho thấy, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đem lại lợi ích về tăng năng suất tổng hợp ở khu vực doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, năng suất trong khu vực doanh nghiệp nhà nước không tăng do không có sự tái phân bổ nguồn lực và lựa chọn người thắng một cách tự nhiên. Hay nói cách khác, thiếu cạnh tranh đã khiến việc tái phân bổ nguồn lực không diễn ra. Điều này khiến năng suất của cả nền kinh tế không tăng như đáng có.
Ở một góc độ đáng lo ngại hơn, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân nhắc tới sự tương tự về hoàn cảnh, khó khăn của nền kinh tế trong giai đoạn này và giai đoạn bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2016.
“So sánh năm 2011 và năm 2016, có thể thấy, tốc độ tăng GDP các quý khá giống nhau, quý I, II đều thấp. Năm 2011, GDP tăng 5,89%. Năm nay, dự báo GDP chỉ tăng 6 - 6,3%, với những khó khăn tương tự như 5 năm trước. Tôi không nhìn thấy các chính sách đột phá trong 5 năm qua, cũng như chưa thấy chính sách nào đột phá trong năm nay. Nếu không tập trung vào tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, để có cách làm, các giải pháp đột phá thì tới năm 2020, có khi chúng ta lại ngồi bàn về tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo với những mối lo tương tự”, ông Ân chia sẻ.