Giá nhà ở tại Hồng Kông đã tăng bình quân 10%/năm kể từ năm 2012 đến nay |
Theo Chỉ số Bong bóng bất động sản toàn cầu (Global Real Estate Bubble Index) của Tập đoàn UBS vừa được công bố, Hồng Kông, Munich, Toronto, Vancouver, London và Amsterdam hiện là các thành phố có mức độ rủi ro bong bóng bất động sản cao nhất thế giới.
Cũng theo báo cáo này, giá nhà đất được định giá quá cao còn có các thành phố như Stockholm, Paris, San Francisco, Frankfurt và Sydney. Giá nhà ở tại các thành phố như Los Angeles, Zurich, Tokyo, Geneva và New York cũng đang giao dịch cao hơn giá trị thực tế, song ở mức vừa phải. Trong khi đó, Chicago (Mỹ) là thành phố duy nhất trong danh sách các thành phố được UBS khảo sát có giá bất động sản được giao dịch dưới giá trị.
Nghiên cứu của UBS cho thấy, giá bất động sản tại các thành phố chủ chốt trên thế giới đã tăng bình quân 35% trong 5 năm qua.
“Mặc dù nhiều thể chế tài chính đứng trước rủi ro bong bóng bất động sản, song chúng ta không nên so sánh tình hình hiện nay với bối cảnh trước khủng hoảng”, ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management cho biết.
Hồng Kông được xác định là thành phố có rủi ro bong bóng bất động sản cao nhất. Tại vùng lãnh thổ này, giá nhà ở đã tăng bình quân 10%/năm kể từ năm 2012 đến nay. Các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản tại vùng lãnh thổ này đã không đủ sức kiềm chế giá. Một số người đã đề xuất hạn chế hơn nữa việc mua nhà đối với các dư dân ngoài khu vực Hồng Kông.
Bên cạnh đó, cả Toronto và Vancouver (Canada) cũng được UBS cảnh báo về bong bóng bất động sản. Ngân hàng này cho biết, chính sách đánh thuế đối với người nước ngoài mua nhà ít có tác dụng kiềm chế giá nhà tại Vancouver, song lại có hiệu quả tại Toronto.
Với các thành phố của Mỹ UBS cho biết, rủi ro bong bóng bất động sản hiện thấp hơn mức đỉnh điểm của năm 2006.