Thông tin trên được ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiết lộ sau buổi họp.
Mặc dù vẫn có sự chênh lệch nhưng đây là con số thể hiện sự nhượng bộ từ 2 phía. Trước đó, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, mức đáp ứng được lộ trình lương tối thiểu với mức sống tối thiểu vào năm 2018, theo ông Chính phải tăng lên mức 13,3%, ít cũng phải 10%. Trong khi, trước đó, VCCI đã đưa ra 2 quan điểm: Không tăng lương tối thiểu hoặc nếu tăng sẽ ở mức dưới 5 %.
Mức tăng cụ thể vẫn phải chờ tới phiên họp thứ 3 của Hội đồng tiền lương Quốc gia. |
Ông Chính còn khẳng định, “sẽ dừng tham gia Phiên họp nếu đề xuất không được chấp nhận”.
Ông Chính cũng giải thích mức đề xuất trên xuất phát từ việc, tất cả con số về kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm đều sáng sủa nên không có lý gì mức tăng lương tối thiểu vùng thấp hơn năm 2017.
“Nếu mức tăng thấp hơn năm 2017, công đoàn không bao giờ chấp nhận", ông Chính nói.
Còn về phía mức đề xuất từ VCCI vẫn trùng khớp với khẳng định trước đó của ông Phòng là không cao hơn 5%.
Ông Phòng giải thích mức đề xuất này dựa trên cơ sở đánh giá của trên 30 Hiệp hội đại diện cho giới sử dụng lao động.
“Quan điểm của chúng tôi là việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại sẽ ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất doanh nghiệp", ông Phòng nói.
Được biết, sau phiên họp thứ 2 chưa tìm được tiếng nói chung giữa 2 bên sẽ diễn ra phiên họp thứ 3 trong đầu tháng 8 và đây sẽ là phiên họp cuối cùng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trước khi có đề xuất chính thức về mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2018.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, kết quả mức tăng cụ thể thế nào tuỳ thuộc vào kết quả thương lượng của các bên. Việc áp dụng cơ chế quản lý hành chính vào việc thương lượng là không hợp lý, tất cả phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận.
Cũng theo ông Diệp, trong quy chế của Hội đồng không có chuyện các thành viên không bỏ phiếu.
“Các thành viên vẫn tham gia bỏ phiếu dù là phiếu trắng. Mỗi thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia phải chịu trách nhiệm với tập thể mà mình đại diện”, ông Diệp nói.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Hội đồng Tiền lương Quốc gia chỉ làm nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ, việc chốt mức tăng cuối cùng và tăng bao nhiêu do Thủ tướng Chính phủ xem xét ra quyết định. Tuy nhiên, từ trước tới nay , Chính phủ rất tôn trọng mức đề xuất mà Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra.