Đến dự và chứng kiến buổi lễ có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội; ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.
Các đại biểu lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đổ bê tông hợp long cầu Bạch Đằng. Ảnh: Thanh Tân. |
Về phía tỉnh Quảng Ninh có ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; đại diện thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương.
Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT dài 5,4km, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Dự án được khởi công từ ngày 25/1/2015 và chính thức thi công từ tháng 6/2015. Trong đó, cầu chính Bạch Đằng dài 700m, thiết kế là cầu dây văng hệ cáp 2 mặt phẳng, nhiều nhịp lớn nhất Việt Nam hiện nay. Cầu được bố trí 3 trụ tháp, thiết kế là 3 chữ “H” mang ý nghĩa lớn, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long; cầu có 4 nhịp bố trí theo sơ đồ (110+2x240+110)m, rộng 28m, tĩnh không thông thuyền cao 48,4m. Trong đó, trụ tháp giữ cao 97,50m, 2 trụ tháp 2 bên cao 94,993m có thể chịu được động đất cấp VII (thang MSK-64), nhịp chính vượt sông dài 240m là một trong những cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay. Phần cầu dẫn, cầu vượt và nút giao 2 bờ Hải Phòng và Quảng Ninh có chiều dài 4,7km kết cầu dầm super T và đúc hẫng trên hệ thống móng cọc BTCT đường kính từ 1,5 đến 2m, mặt cắt ngang 25m.
Cầu Bạch Đằng chính thức hợp long, thông xe kỹ thuật. Ảnh: Thanh Tân. |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng – chủ đầu tư dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến cho biết, đây là cây cầu có thiết kế phức tạp do phải đảm bảo 2 yếu tố khống chế. Một là, chiều cao cầu đảm bảo lưu thông hàng hải của tàu tải trọng lớn ra vào. Hai là, chiều cao tháp phải thấp do bị khống chế phễu bay của Cảng hàng không Cát Bi (TP Hải Phòng). Điều này dẫn tới góc nghiêng của dây văng nhỏ (đạt 19 độ), trọng lượng khối đúc lên đến 450 tấn/khối – là khối đúc công nghệ mới lần đầu triển khai ở Việt Nam... “Với thiết kế này, Cầu Bạch Đằng đang là một trong số 7 cầu dây văng hiện có nhiều nhịp nhất trên toàn thế giới và là cầu lớn thứ 3”, ông Hòa khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhấn mạnh rằng: “Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì thế, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm lớn, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đa dạng hoá, mở rộng các hình thức đầu tư để ưu tiên phát triển hạ tầng. Quảng Ninh bỏ ra một đồng ngân sách đã thu về 8,3 đồng ngoài ngân sách…”.
Thực tế, kể từ năm 2012, tổng số vốn thu hút đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt trên 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các công trình đang khẩn trương hoàn thành, trong đó cầu Bạch Đằng chính thức hợp long, nối liền Hải Phòng với Quảng Ninh. Đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc tạo đột phá về kết cấu hạ tầng.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Lễ hợp long. Ảnh: Thanh Tân. |
Khi toàn tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (bao gồm Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến) được hoàn thành vào 30/6/2018, sẽ góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động; hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng Duyên hải Bắc Bộ. Quãng đường từ TP.Hạ Long đi Hà Nội là 180 km như hiện nay sẽ giảm xuống còn 130km và thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng đồng hồ xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm được 2/3, từ 75km xuống còn 25km.
Dự kiến trong quý III/2018, Quảng Ninh sẽ tiếp tục khởi công trên 80 km đường cao tốc nối tiếp từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến cửa khẩu quốc tế Bắc Luân - Móng Cái. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2020. Khi đó sẽ nâng tổng chiều dài đường cao tốc trên địa bàn tỉnh lên khoảng 200 km, đóng góp 1/10 mục tiêu có 2.000 km đường cao tốc theo kế hoạch của Chính phủ, góp phần tạo động lực phát triển toàn diện Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Chia vui cùng tỉnh Quảng Ninh và chúc mừng chủ đầu tư, các nhà thầu thi công cầu Bạch Đằng, ông Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những đổi mới vượt bậc trong phát triển hạ tầng giao thông của Quảng Ninh, đặc biệt là việc vận dụng linh hoạt trong huy động các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Riêng với dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, ông Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 8 ý nghĩa mà cây cầu này mang lại, gồm: (1) Hiện thực chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong hợp tác công tư để phát triển hạ tầng; (2) Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tự xây dựng đường cao tốc, sân bay, cảng tàu du lịch từ nguồn lực ngoài ngân sách; (3) Kết nối 3 trung tâm kinh tế lớn phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; (4) Công trình cầu Bạch Đằng có kỹ thuật thi công phức tạp, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay nhưng lại do chính người Việt Nam tự đầu tư, thiết kế, tổ chức thi công; (5) Thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả giữa các bộ, ngành, các địa phương; (6) Sự đoàn kết, thống nhất của liên danh nhiều nhà đầu tư mà xưa nay chưa có tiền lệ; (7) Góp phần quan trọng trong khai thác lợi thế nổi trội, tiềm năng khác biệt không chỉ của Quảng Ninh mà còn liên kết trong cả khu vực; (8) Khẳng định tư duy, tầm nhìn, hành động dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các bộ ngành.
“Từ dự án cầu Bạch Đằng đã rút ra bài học lớn, một việc dù khó đến mấy nhưng suy nghĩ chín chắn, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biết huy động nguồn lực thì chắc chắn sẽ thành công”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.