Y tế - Sức khỏe
Hợp tác toàn diện cung cấp vắc-xin cho người dân
D.Ngân - 03/07/2023 17:08
Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp dược trong nước và quốc tế được kỳ vọng sẽ mang về nhiều loại vắc-xin mới, vắc-xin khan hiếm, ứng dụng các giải pháp công nghệ và logistic tiên tiến nhất để nhanh chóng đưa vắc-xin an toàn về gần hơn với người dân.

Ngày 3/7, tại TP.HCM, Công ty EPLUS Research - đối tác chiến lược toàn diện của Hệ thống tiêm chủng VNVC và Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam, thuộc Tập đoàn Dược phẩm GSK đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược.

Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng có ý nghĩa nâng tầm quan hệ hợp tác hai bên nhằm đưa về Việt Nam nhiều loại vắc-xin mới, vắc-xin khan hiếm với số lượng lớn tiêm chủng cho người dân; 

Lễ ký kết hợp tác giữa hai bên.

Đồng thời, tiến tới mục tiêu nâng cao tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vắc-xin. Đặc biệt, những nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền (đái tháo đường, suy thận, cao huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, viêm gan, hen suyễn, xương khớp…). 

Được biết, EPLUS là công ty tiên phong trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ phụ trợ cho ngành y tế, trong đó đặc biệt quan trọng là nhập khẩu, phân phối và cung ứng vắc-xin;

EPLUS cũng phát triển ứng dụng, giải pháp công nghệ hiện đại giúp tăng hiệu quả tiếp cận thị trường toàn diện từ online đến ofline.

Hiện EPLUS đã nhập khẩu và cung ứng vắc-xin từ nhiều hãng sản xuất vắc-xin hàng đầu Thế giới đến Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC; cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động phân phối thuốc - thực phẩm chức năng, dịch vụ khám chữa bệnh…

Cùng chung một đối tác chiến lược là Hệ thống tiêm chủng VNVC, hợp tác này được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đưa vắc-xin thiết yếu mới, chất lượng cao, được sản xuất từ các nhà máy lớn đặt tại Bỉ hay Ý đến với người dân Việt Nam trên khắp cả nước nhiều hơn và đảm bảo sự an toàn, hiệu quả sử dụng, bắt nhịp với các chương trình tiêm chủng của các quốc gia phát triển.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần EPLUS Research cho biết, hiện nay, chúng tôi đã đầu tư mạng lưới cung ứng vắc-xin hiện đại hàng đầu Việt Nam với gần 120 kho lạnh đạt chuẩn Good Storage Practices (GSP) cùng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) ở mỗi trung tâm tiêm chủng VNVC.

Đặc biệt là hệ thống 3 tổng kho lạnh âm sâu, bảo quản vắc-xin đến âm 86 độ C, đạt tiêu chuẩn quốc tế cho toàn bộ quá trình bảo quản, vận chuyển, cung ứng và đưa vào sử dụng vắc-xin. Tại cùng 1 thời điểm, hệ thống kho lạnh của chúng tôi có thể bảo quản lên đến 300 triệu liều vắc-xin ở tất cả các nhiệt độ tiêu chuẩn.

Ông Ngô Chí Dũng khẳng định, cùng với đối tác chiến lược là GSK và Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, EPLUS kỳ vọng có thể mang về nhiều loại vắc-xin mới, vắc-xin khan hiếm, ứng dụng các giải pháp công nghệ và logistic tiên tiến nhất để nhanh chóng đưa vắc-xin an toàn về gần hơn với người dân, cung ứng đầy đủ để kịp thời đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho trẻ em và người lớn đang ngày càng tăng cao.

Còn theo ông Luis Arosemena, Phó chủ tịch cấp cao, GSK Khu vực các thị trường mới nổi, Việt Nam là một trong 5 thị trường ưu tiên và được đầu tư mạnh mẽ của GSK trong tổng số hơn 100 quốc gia thuộc khu vực.

"Chúng tôi vui mừng khi chứng kiến sự phát triển của ngành y tế Việt nam, và cùng với sự hỗ trợ của khối dược phẩm sinh học tại Việt Nam, chúng ta sẽ tiếp tục kết hợp khoa học, công nghệ và con người để mang các giải pháp từ phòng ngừa đến điều trị cho bất kỳ ai khi họ cần đến”, Phó Chủ tịch cấp cao, GSK Khu vực các thị trường mới nổi cho hay.

Được biết theo báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) về tình hình trẻ em thế giới 2023 với chủ đề "Vắc-xin cho mọi trẻ em" cho thấy, 67 triệu trẻ em trên toàn cầu bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc-xin trong hơn ba năm dịch Covid-19 (2019-2021).

Nguyên nhân là do các dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn vì hệ thống y tế quá tải, nguồn lực khan hiếm và bị phân tán, tình trạng xung đột.

Trong đó, có gần 250.000 trẻ em ở Việt Nam không được tiêm vắc-xin đầy đủ. Thiếu vắc-xin và miễn dịch từ vắc-xin suy yếu có thể dẫn đến nguy cơ bệnh bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng miễn dịch cộng đồng, đe dọa hệ thống y tế cũng như tính mạng người dân.

Tổ chức y tế thế giới WHO đang kêu gọi các nỗ lực tiêm bù, tiêm vét quy mô lớn cho tất cả trẻ em ở Việt Nam đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng định kỳ trong đại dịch, khôi phục tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ít nhất là bằng mức của năm 2019, nhằm tránh bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin tại Việt Nam trong tương lai gần.

Tiêm chủng cũng là một trong những khoản đầu tư tốt nhất cho sức khỏe mà chính phủ và các gia đình có thể thực hiện. Theo ước tính của UNICEF, chi phí khám và điều trị bệnh tốn kém gấp 16 lần chi phí tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Chẳng hạn mỗi 100 USD (khoảng 2,5 triệu đồng) đầu tư vào chích ngừa giúp tiết kiệm 1.600 USD (khoảng 40 triệu đồng) chi phí khám và điều trị bệnh.

Cũng liên quan tới việc cung cấp vắc-xin, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), phối hợp với UNICEF, đã chuyển giao 590 tủ lạnh bảo quản vắc-xin cho Bộ Y tế nhằm hỗ trợ cải thiện hệ thống thiết bị dây chuyền lạnh cho các chiến dịch tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng phòng Covid-19.

TS. Myat Htoo Razak, Cố vấn cao cấp An ninh Y tế Toàn cầu của USAID cho hay, tủ lạnh bảo quản vắc xin - HBC-80 - sẽ được chuyển đến 590 xã vùng sâu vùng xa tại 12 tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam. 

Tủ lạnh này có thể duy trì điều kiện lạnh cho các vắc-xin cần phải được bảo quản ở phạm vi nhiệt độ từ + 2 ° C đến + 8 ° C, phạm vi nhiệt độ cần thiết cho bảo quản phần lớn các loại vắc-xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng. 

Với dung tích bảo quản 61L, mỗi tủ lạnh sẽ có thể lưu trữ đủ liều vắc-xin dùng cho tiêm chủng định kỳ và tiêm chủng phòng Covid-19 tại các xã.

Sự hỗ trợ này rất quan trọng để đảm bảo rằng vắc-xin được bảo quản và phân phối an toàn ở cấp xã, tạo điều kiện cho trẻ em được tiêm chủng ngay khi đến hạn - thay vì chờ đợi để lấy vắc-xin từ cơ sở bảo quản vắc-xin cấp cao hơn ở xa địa bàn. 

Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam, với sự hỗ trợ của UNICEF nhằm đảm bảo nguồn cung vắc-xin 5 trong 1, đang nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên vốn đã bị suy giảm đáng kể trong đại dịch. 

"UNICEF rất vui mừng được chung tay cùng USAID hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực của các hệ thống tiêm chủng, nhằm đảm bảo rằng người dân ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận với vắc-xin an toàn", TS. Myat Htoo Razak nói

Tin liên quan
Tin khác