Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương (thứ hai từ trái qua) chúc mừng các doanh nghiệp đạt giải |
Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV ) đã được trao cho 5 DN, trong đó CTCP khoan và dịch khoan dầu khi (PVD) đạt giải thưởng báo cáo PTBV tốt nhất; giải Nhì thuộc về CTCP Sữa Việt Nam (VNM); ba giải khuyến khích thuộc về Tập đoàn Bảo Việt (BVH) ở hạng mục Tính Đầy đủ, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) hạng mục Độ tin cậy và CTCP FPT (FPT) hạng mục Trình bày.
Đối với hạng mục giải thưởng BCTN có nội dung quản trị tốt nhất, HSC với số điểm cao nhất đã đạt giải nhất ở nội dung này. Giải nhì nội dung QTCT thuộc về CTCP Sữa Việt Nam (VNM) và giải ba thuộc về Tập đoàn Bảo Việt (BVH).
Trong khuôn khổ lễ trao giải Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) năm 2015, ban tổ chức đã có buổi tọa đàm về quản trị công (QTCT) với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chuyên gia quản trị công ty khu vực ASEAN, đại diện Dragon Capital và HOSE.
Theo nhận định của Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC), việc áp dụng các thông lệ quản trị tốt như có một Hội đồng quản trị quyết đoán, chức năng kiểm soát nội bộ vững vàng, và áp dụng thông lệ công bố thông tin và cổ đông tốt sẽ giúp một công ty cạnh tranh vượt trội trên thị trường. Nhiều khảo sát trên thế giới cho thấy, những công ty áp dụng những thông lệ về quản trị tốt sẽ hoạt động hiệu quả hơn, xu hướng này cũng xảy ra tại Việt Nam.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm đều cho rằng, QTCT tạo điều kiện giảm thiểu rủi ro, nâng cao trách nhiệm kinh doanh và đạo đức của doanh nghiệp. Quản trị tốt giúp công ty tránh được các cuộc tai tiếng hay gian lận, quan trọng hơn là giúp công ty hoạt động hiệu quả và thành công hơn.
Đánh giá từ công ty Quản lý quỹ Dragon capital, QTCT luôn là yếu tố quan trọng nhất trong việc đưa ra quyết định đầu tư, và khuyến khích các công ty hãy tin rằng, QTCT là yếu tố hết sức tích cực đối với doanh nghiệp vì nó mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Hầu hết các khoản đầu tư có vấn đề của chúng tôi đều xuất phát từ QTCT, ông Điền nói.
Tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ có một số lượng nhỏ các DN Việt Nam thực sự coi trọng và áp dụng QTCT một cách hệ thống và có chiều sâu. TS Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc chương trình Cao học quản trị Kinh doanh Maastricht MBA, ĐH Bách khoa TP.HCM, chuyên gia quản trị công ty khu vực Asean cho biết, kết quả đánh giá các DN QTCT trong suốt 3 năm không thấy thay đổi nhiều và có khoảng cách rất xa so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân chính không đến từ cơ chế pháp luật mà do cơ chế thị trường còn quá yếu, chưa vận hành hiệu quả để nâng cao nhận thức về QTCT không chỉ ở trong doanh nghiệp, NĐT, công chúng và cả những kênh thông tin truyền thông.
Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư Draon Capital chia sẻ, nếu nói về khung pháp lý thì Việt Nam đã đáp ứng đủ để điều tiết 6 nguyên tắc lớn trong chuẩn quản trị công ty của OECD, vấn đề là nhiều công ty chỉ làm rập khuôn theo quy định. Một điểm khác, pháp lý mặc dù có cải thiện nhưng vẫn có một số quy định chưa phù hợp. Chẳng hạn quy định vè tỷ lệ sở hữu bao nhiêu thì xác định là cổ đông lớn. Việt Nam quy định là 5% trở lên, trong khi tại các nước tiên tiến chỉ cần trên 1% thì đã được xem là cổ đông lớn. Điều này có liên quan đến tiêu chuẩn là TV HĐQT độc lập (quy định không phải là cổ đông lớn), nếu sở hữu 4,99% vẫn được xem là TV HDQT độc lập thì lại không đúng bản chất bởi tỷ lê này rõ ràng có ảnh hưởng đến những quyết định trong doanh nghiệp.
Việc các DN chỉ mới dừng ở mức đảm bảo tuân thủ pháp luật, theo ông Phan Đức Hiếu, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, điều này chứng tỏ các DN hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa của Luật Doanh nghiệp. Trong Luật quy định những chuẩn mực tối thiểu về quản trị công ty, trong đó quy định cứng hơn về nội dung bảo vệ cổ đông bằng cách mở rộng quyền tiếp cận thông tin công ty cho cổ đông và quy định tạo điều kiện dễ dàng cho cổ đông trong việc khởi kiện người quản lý trong trường hợp họ vi phạm. Tức DN được phép chọn lựa các mức kém, trung bình và tốt trong quản trị công ty để thực hiện và “DN nên quản trị bằng trái tim và hướng đến mục tiêu lớn nhất là lợi ích của chính DN chứ không nên chỉ dừng ở mức tuân thủ”, ông Hiếu nói.