Đầu tư
HTL được chọn làm nhà thầu EPC cho Điện gió Tây Nguyên
- 24/11/2014 15:10
Công ty Giải Pháp Năng Lượng Gió HBRE vừa ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty CP Vận tải liên hiệp Huy Hoàng (HTL) nhằm đẩy mạnh hiệu quả đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

TIN LIÊN QUAN
Phê duyệt dự án quy hoạch phát triển điện gió Việt Nam
Dự án điện gió: Sôi động đăng ký, chấp chới triển khai
Sóc Trăng kêu gọi đầu tư vào 13 dự án điện gió
Giá bán điện gió ở Việt Nam "thấp nhất thế giới"
   
  Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa HBRE và HTL  

Theo biên bản hợp tác này, HTL sẽ trở thành nhà tổng thầu (EPC) chính thức trong việc thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, chạy thử và bàn giao cho chủ đầu tư là HBRE. Trước mắt, hai công ty sẽ hợp tác triển khai thực hiện giai đoạn 1 dự án phong điện Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk, đồng thời HTL cũng sẽ là nhà đầu tư góp vốn 25% với giá trị tương ứng 150 tỷ đồng.

Dự án phong điện Tây Nguyên được đặt tại xã Đlie Yang, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk – là một trong ít nơi có nguồn năng lượng gió tốt nhất tại Việt Nam với hướng gió ổn định và phân bố đều ở mức trung bình là từ 7-7,6m/giây. HBRE đã và đang chuẩn bị các bước cuối cùng để sẵn sàng khởi công dự án và sẽ triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020 trong 3 giai đoạn, với tổng công suất dự kiến lên đến 120MW. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 28 MW, tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, dự kiến sẽ phát điện vào tháng 6/2016, với sản lượng hơn 100 triệu kWh/năm.

Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, đây sẽ là nhà máy điện gió có công suất lớn nhất Việt Nam với sản lượng điện hàng năm lên đến 400 triệu kWh có khả năng cung cấp điện cho 200 ngàn hộ dân.

Trước đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, Tập đoàn GE (Mỹ) đã chính thức được HBRE lựa chọn là nhà cung cấp 14 tua-bin gió loại 2.0-116 (công suất 2MW, đường kính cánh tua-bin 116m) cho giai đoạn 1 của dự án. Là một doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, GE đã có nhiều năm hoạt động trên hơn 170 quốc gia. Tính đến nay, các thiết bị GE đã cung cấp hơn 2.000 MW điện, tương đương khoảng 10% tổng công suất điện năng của Việt Nam.

Việc hợp tác giữa HBRE và HTL trong thời điểm này sẽ góp phần đảm bảo đúng tiến độ cũng như chất lượng của dự án phong điện Tây Nguyên. Đồng thời, đây cũng là bước đệm quan trọng để hai bên cùng hợp tác chiến lược toàn diện trong việc thực hiện các dự án phát triển nguồn năng lượng xanh và sạch của Việt Nam trong tương lai.

Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HBRE khẳng định: “Việc hợp tác với HTL trong dự án phong điện Tây Nguyên là một bước khởi đầu thuận lợi, tạo tiền đề cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trên tinh thần cùng nhau đồng hành và phát triển lâu dài, bền vững. Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác hiệu quả để phát triển hơn nữa nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, mang lại tính nhân văn và hiệu quả kinh tế cao này, không chỉ trong khu vực Tây Nguyên mà còn tại các địa phương tiềm năng khác của Việt Nam.”

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, vùng Tây Nguyên có điều kiện và tiềm năng trong lĩnh vực điện gió. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Công Thương năm 2012, tổng công suất lắp đặt điện gió của Tây Nguyên chiếm khoảng 25% trên tổng sản lượng điện gió tiềm năng của quốc gia, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk và Gia Lai, chiếm 1350MW công suất lắp đặt điện gió.

Hoàng Anh

Tin liên quan