| ||
Huawei sẽ đầu tư ít nhất 600 triệu USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) |
Trước đó, ngày 16/10, Huawei tuyên bố sẽ đầu tư 200 triệu USD cho Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao tại Anh.
Ngày 29/9, Huawei Nhật Bản – chi nhánh Nhật Bản của Hãng Huawei (Trung Quốc) công bố thành lập một Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) mới với tên gọi Trung tâm Nghiên cứu Huawei Nhật Bản (the Huawei Japan Research Center), tại Yokohama vào tháng 10/2013.
Khoản đầu tư 600 triệu của Huawei sẽ được dành cho các công nghệ thiết yếu, trong đó có việc phát triển công nghệ giao diện vô tuyến air-interface.
Huawei dự báo rằng các hệ thống mạng 5G đầu tiên sẽ được sẵn sàng cho triển khai thương mại hóa bắt đầu từ năm 2020 và sẽ cung cấp tốc độ truyền dữ liệu cao nhất tới trên 10Gbps, nhanh gấp 100 lần so với các mạng 4G hiện nay.
Ông Eric Xu, Giám đốc điều hành (CEO) luân phiên của Huawei cho biết: "Trong khi chúng tôi tiếp tục phát triển các công năng của hệ thống mạng 4G hiện có, thì chúng tôi cũng lên kế hoạch để đầu tư tối thiểu 600 triệu USD trong 5 năm tới cho các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo về các công nghệ mạng di động 5G để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ đáp ứng được các nhu cầu về kết nối ngày càng nhanh hơn và chất lượng tốt hơn của các khách hàng.
Khoản đầu tư này không bao gồm đầu tư cho các công nghệ 5G đã thành phẩm. Các mạng di động 5G với khả năng đạt tốc độ truyền dữ liệu đỉnh tới trên 10Gbps sẽ cho phép mọi người tải về các bộ phim độ phân giải cao (HD) trong một giây và mang đến trải nghiệm truyền thông video như thật."
Huawei bắt đầu đầu tư cho 5G vào năm 2009. Tại các Triển lãm Mobile World Congress năm 2011 và năm 2012, công ty đã giới thiệu các trạm thu phát sóng 5G đầu tiên dẫn đầu ngành với tốc độ truyền dữ liệu đạt tới 50Gbps.
Đến nay, Huawei đã tham gia vào các dự án nghiên cứu công nghệ 5G của EU, đã phối hợp để xây dựng Trung tâm Sáng tạo 5G (5G Innovation Center - 5GIC) tại Anh quốc, và đã tham gia vào các chương trình nghiên cứu chung với hơn 20 trường đại học trên khắp thế giới. Huawei cũng là một đối tác đóng góp tích cực cho việc xây dựng các tiêu chuẩn và hệ sinh thái 5G để cùng tạo ra một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất cho ngành trên phạm vi toàn cầu.
Vẫn còn một số vấn đề cần phải được giải quyết trước khi công nghệ 5G có thể trở thành hiện thực. Đó là sự sẵn sàng của băng tần và các thách thức về mặt công nghệ, chẳng hạn như làm thế nào để tạo ra các kiến trúc mạng có thể gia tăng được lượng dữ liệu truyền tải cao hơn và các tốc độ truyền tải dữ liệu cần thiết để có thể chứa được nhiều người dùng hơn trên hệ thống mạng.
Đến năm 2020, dự kiến sẽ có 6,5 tỉ người trên toàn thế giới sử dụng các hệ thống mạng di động để truyền tải dữ liệu và khoảng 100 tỉ những thứ khác, như xe cộ, thiết bị đo kiểm, thiết bị y tế, và các thiết bị gia đình, cũng sẽ được kết nối mạng 5G.
Tú Ân