UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND nhằm thực hiện Kết luận số 223-KL/TU ngày 24/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đề án này, Tỉnh sẽ phấn đấu nâng cao vị trí xếp hạng PCI của Hưng Yên trong Top dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế Tốt; điểm số PCI tăng từ 2,5 điểm đến 3,5 so với năm 2022.
Theo kết quả năm 2022 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Hưng Yên có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 67,91 điểm, tăng 4,15 điểm và thăng hạng 25 bậc so với năm 2021, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố ở nhóm Khá. Trong khối vùng Đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên đứng thứ 5/11 địa phương.
Như vậy, sau 10 năm từ năm 2013, Hưng Yên quay trở lại top 30 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất cả nước.
Trong 10 chỉ số thành phần của chỉ số PCI, Hưng Yên có 4 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 ở chỉ số tiếp cận đất đai (+0,69 điểm) tăng 36 bậc, tính tăng động (+0,23) tăng 19 bậc, chi phí không chính thức (+1,05) tăng 41 bậc và thiết chế pháp lý (+1,1) tăng 33 bậc. Còn lại 6 chỉ số giảm điểm gồm: chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động.
Trung tâm điều hành thông minh IOC Hưng Yên là một trong những hoạt động thuộc Đề án chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Ảnh: hungyen.vnpt.vn |
Cụ thể, Tỉnh sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ vào 7 chỉ số thành phần có trọng số lớn trong chỉ số PCI gồm: Chi phí không chính thức (15%), Tính năng động của chính quyền tỉnh (15%), Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (15%), Tiếp cận đất đai (10%), Cạnh tranh bình đẳng (10%), Đào tạo lao động (10%), Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (10%).
Phấn đấu 10 chỉ số thành phần trong năm 2023 đạt mức như: Gia nhập thị trường đạt từ 6,8 điểm trở lên; Tiếp cận đất đai đạt từ 7,8 điểm trở lên; Tính minh bạch đạt từ 5,7 điểm trở lên; Chi phí thời gian đạt từ 8 điểm trở lên; Chi phí không chính thức đạt từ 8 điểm trở lên; Cạnh tranh bình đẳng đạt từ 7 điểm trở lên; Tính năng động của chính quyền đạt từ 7 điểm trở lên; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt từ 5,8 điểm trở lên; Đào tạo lao động đạt từ 6 điểm trở lên; Thiết chế và an ninh trật tự đạt từ 8 điểm trở lên.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra cũng như nâng cao vị trí trong PCI vào năm 2023 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các cấp chính quyền tiếp tục tự cải thiện và vượt lên chính mình thông qua đổi mới tư duy, điều hành linh hoạt, xây dựng và quản trị chính quyền hiện đại hơn, cởi mở hơn, thân hiện hơn. Mục tiêu trở thành tỉnh có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất là điểm đến mong muốn của mọi nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đội ngũ cán bộ, công chức của Tỉnh cần thay đổi mạnh mẽ về thái độ, tránh nhiệm, tăng tính chủ động, tác phong trong thực hiện công vụ, giao tiếp với người dân. Xây dựng niềm tin giữa các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Hài hòa phát triển kinh tế và phát triển hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường.
Đoàn 50 doanh nghiệp Đài Loan đến xem xét đầu tư vào Khu công nghiệp số 5, Hưng Yên. |
Bên cạnh những yêu cầu các cấp chính quyền Tỉnh tự cải thiện, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đưa ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện các chỉ số thành phần của PCI. Về công tác chỉ đạo, điều hành, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Đảm bảo không còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp. Chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành phù hợp với phát luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp…
Về cải cách hành chính, đề xuất loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu có sẵn. Đẩy mạnh chính quyền số.
Về tiếp cận đất đai, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ liên quan đến thủ tục đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh. Kiên quyết xử lý cán bộ gây khó khăn, nhũng nhiễu trong quá trình hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính. Tiếp tục cải thiện công tác xác định giá đất phù hợp với giá thị trường và đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án,…
Có thể thấy, nâng cao chỉ số PCI là một trình dài, cần sự vào cuộc quyết tâm của các cấp chính quyền.