Tổng cục Hải quan vừa hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố liên quan đến mẫu và chữ ký cán bộ có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Cụ thể, trên cơ sở thông báo từ Ban thư ký ASEAN liên quan đến mẫu và chữ ký cán bộ có thẩm quyền cấp C/O trong khuôn khổ Hiệp RCEP, Tổng cục Hải quan cho biết, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc, một trong những cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của Trung Quốc cấp C/O thực thi Hiệp định RCEP theo mẫu mới kể từ ngày 1/5/2023.
Cục hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ trên mẫu mới C/O mà cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của Trung Quốc thông báo để kiểm tra tính hợp lệ C/O được cấp bởi cơ quan này.
Về danh sách mẫu chữ ký cán bộ có thẩm quyền cấp C/O của Trung Quốc, căn cứ quy định tại khoản 7, Điều 3.17, Chương 3 Quy tắc xuất xứ Hiệp định RCEP, cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đã thông báo trang thông tin điện tử để tra cứu thông tin C/O trong khuôn khổ Hiệp định RCEP nên Trung Quốc không thông báo danh sách mẫu chữ ký cán bộ có thẩm quyền cấp C/O của nước này trên trang thông tin điện tử của Ban thư ký ASEAN.
Cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra đối chiếu với thông tin C/O trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp C/O Trung Quốc, được thông báo tại công văn số 2844/TCHQ-GSQL ngày 12/7/2022 và hồ sơ hải quan để kiểm tra tính hợp lệ của C/O và xuất xứ hàng hóa nhập khẩu.
Hiệp định RCEP là FTA thế hệ mới giữa 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, có hiệu lực chính thức từ đầu năm 2022.
RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên.
Hiệp định này giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia, đồng thời giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện, phần lớn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam được nhập từ các nước RCEP.
Theo Bộ Công thương, năm 2022, hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc được cấp C/O mẫu E đạt 16,9 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 29,34% so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này; hàng hóa xuất khẩu được cấp C/O mẫu RCEP đạt 136,3 triệu USD, chiếm tỷ lệ 0,25% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mặt hàng xuất khẩu có tỷ lệ sử dụng ưu đãi (theo C/O mẫu E và C/O mẫu RCEP) tốt trong năm 2022 gồm có: xơ, sợi dệt các loại
(98,72%), hàng thủy sản (94,97%), cao su và các sản phẩm từ cao su (87,02%), sắn và các sản phẩm từ sắn (72,71%).