Giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo
Từ mốc 14,3 triệu ha năm 1943, diện tích rừng của Việt Nam đã giảm xuống còn 10,7 triệu ha vào năm 2005. Cùng với việc đất rừng bị thoái hóa, đa dạng sinh học bị mất đi, thì đòi hỏi về sản phẩm lâm nghiệp phục vụ sinh hoạt và công nghiệp lại tăng lên. Đây là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, thiên tai, nghèo đói...
Để giải quyết những thách thức trên, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp nhằm giúp các hộ ở miền Trung vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật trồng rừng, cải thiện sinh kế, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo vệ thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu. Với 2 trọng tâm chính là phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung và bảo tồn thiên nhiên, Dự án được triển khai tại 6 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An từ năm 2005.
Nhờ có vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, diện tích rừng tăng lên |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan, chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới, Chủ nhiệm Dự án, đây là dự án đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo trồng rừng, có tính bền vững hơn so với phương pháp truyền thống trợ cấp hoạt động trồng rừng.
Ông Cao Dựa (ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiêu Huế) cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, quanh năm phải làm thuê mà chẳng đủ ăn. Sau 5 năm kể từ khi được tiếp cận đồng vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng 4,2 ha rừng, chúng tôi đã có thu nhập 90 - 100 triệu đồng/ha/năm”.
Dự án đã góp phần cải thiện đời sống của người dân, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho nhiều lao động, tạo nguồn thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình. Dự án còn góp phần bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ rừng, cải thiện chất lượng đất, chống biến đổi khí hậu...
Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, dù Dự án kết thúc vào tháng 3/2015, nhưng Quỹ quay vòng do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý sẽ tiếp tục vận hành thêm 20 năm nữa. Và rất nhiều hộ gia đình còn được tiếp cận nguồn tín dụng này.
Chuyển biến nhận thức của hộ dân tộc thiểu số
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đang bắt đầu triển khai chương trình cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (không phân biệt giàu nghèo), hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển rừng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng rừng, chăn nuôi với lãi suất 1,2%/năm.
Ngoài phần vốn vay, người dân còn được Nhà nước hỗ trợ phương thức đầu tư, cấp đất để đầu tư và có đầu ra cho sản phẩm. Điều này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hộ dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các địa bàn của huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp:
Sau gần 12 năm thực hiện, tổng dư nợ cho vay Dự án đạt gần 500 tỷ đồng, doanh số thu nợ hơn 323 tỷ đồng, với hơn 103.000 lượt khách hàng vay vốn.
Nguồn vốn này đã giúp phủ kín trên 76.000 ha rừng trồng sản xuất.