Thời sự
Hướng tới một Hà Nam phát triển toàn diện, bền vững
Nguyễn Xuân Đông - 09/02/2019 20:39
2018 là năm phát triển khởi sắc của Hà Nam với tất cả tiêu chí về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Đó là nền tảng vững chắc, là tiền đề, động lực quan trọng tạo đà cho sự phát triển bền vững trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang (thứ hai, từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông (ngoài cùng, bên phải) chúc mừng lễ động thổ Dự án Tổ hợp chế biến thịt có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng của Masan Group.

“Điểm sáng” phát triển kinh tế - xã hội

Kết thúc năm 2018, kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam có nhiều kết quả nổi bật. Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 11,5% so với năm 2017, GRDP bình quân đầu người đạt 55,2 triệu đồng, tăng 13,6%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 90.261,8 tỷ đồng, tăng 14,8%, xuất khẩu đạt 2.312 triệu USD, tăng 9,9% so với năm 2017.

Thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm nhấn ấn tượng với 126 dự án đầu tư mới trong năm 2018, là năm có số dự án thu hút đầu tư cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có 46 dự án FDI và 80 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư 445 triệu USD và gần 4.800 tỷ đồng. Năm 2018, Hà Nam có thêm 555 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 6.300 tỷ đồng.

Trong hơn 100 dự án đầu tư mới, có 46 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới trong những năm tiếp theo. Trong số này, có Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam, Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử của Công ty Anam Electronic.

Những ngày cuối cùng năm Mậu Tuất 2018, tại Hà Nam đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Tổ hợp chế biến thịt của Tập đoàn Masan với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án này đặt dấu mốc quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm hiện đại ở Hà Nam.

Nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn luôn là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam. Công nghệ cao là lời giải cho bài toán đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản, trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Chính vì thế, Hà Nam luôn ưu tiên phát triển và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, xác định doanh nghiệp vừa là hạt nhân, vừa là động lực để hướng nông nghiệp đến sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm năm 2019
Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 11%.
GRDP bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng, tăng 12,5% so với 2018.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,3% so với năm 2018.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,1%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.500 triệu USD, tăng 8,1%.
Vốn đầu tư phát triển đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 11,1%.

Tỉnh Hà Nam đã quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến 2035, bao gồm Vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp huyện Lý Nhân và Bình Lục; Vùng nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái huyện Kim Bảng; Vùng nông nghiệp đô thị sinh thái TP. Phủ Lý.  Hà Nam đã quy hoạch một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm huyện Lý Nhân 2 khu 358 ha; huyện Bình Lục một khu 121 ha; TP. Phủ Lý một khu 123 ha; huyện Thanh Liêm một khu chăn nuôi bò sữa tập trung 500 ha...

Trước thềm xuân mới Kỷ Hợi 2019, trên toàn tỉnh Hà Nam đã xuất hiện 53 mô hình sản xuất với tổng diện tích 445 ha của các tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết sản xuất nông sản sạch với các doanh nghiệp. Các sản phẩm liên kết chủ yếu là rau ăn lá, dưa các loại, ngô ngọt và lúa chất lượng cao. Một số sản phẩm liên kết đã được bán tại các siêu thị Vinmart, Big C, Bác Tôm… và phát triển tiếp trong thời gian tới.

Hà Nam tiếp tục là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới với 91/98 xã, 3/5 huyện đạt chuẩn, TP. Phủ Lý hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hơn thế, Hà Nam đã hoàn thiện Đề án Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 và đang tích cực triển khai tại một số địa phương.

Hà Nam còn chú trọng giải quyết, giải đáp triệt để những khúc mắc, tâm tư của người lao động - lực lượng chủ lực tạo ra sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với 1.000 công nhân lao động các khu công nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng tại tỉnh vào cuối tháng 5/2018 đã tạo niềm tin, tạo động lực mạnh mẽ cho người lao động.

Hà Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Hà Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Phát triển toàn diện và bền vững

Kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2018 là tiền đề, động lực quan trọng cho những bước phát triển tiếp theo của Hà Nam.

Năm 2019, Hà Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với thực hiện Đề án Đổi mới định hướng đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, phát huy đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh khởi nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; chủ động phòng, chống thiên tai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tăng cường ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phấn đấu tăng 3,1% so với năm 2018. Tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nông nghiệp.

Phối hợp triển khai Đề án Xây dựng thí điểm Trung tâm Kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn Việt Nam khu vực phía Bắc tại tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ dự án trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk tại xã Thanh Nguyên. Xây dựng chuỗi chăn nuôi lợn thịt tại Ngọc Lũ (huyện Bình Lục), phát triển thương hiệu lợn sạch xã Ngọc Lũ, thương hiệu gà Móng Tiên Phong, xây dựng thương hiệu Dê núi Hà Nam. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất, giết mổ, chế biến và xử lý môi trường chăn nuôi.

Công nghiệp - xây dựng vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, vì vậy, Hà Nam đặc biệt khuyến khích, thu hút đầu tư. Trước mắt là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Thái Hà… để có quỹ đất sạch thu hút đầu tư; lấp đầy Khu công nghiệp Đồng Văn III (giai đoạn I) và Khu công nghiệp Châu Sơn, 90% Khu công nghiệp Hòa Mạc, 50% Khu công nghiệp Đồng Văn IV; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, chú trọng doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ, cùng doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước...; thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh và các thỏa thuận hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp lớn. Hà Nam cũng đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại theo hướng phát triển bền vững; tập trung đầu tư hạ tầng các khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, Kẽm Trống, Làng trống Đọi Tam…

Với mục tiêu đạt 37% đô thị hóa trong năm 2019, Hà Nam tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Phát triển đô thị toàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các dự án đô thị dở dang; triển khai các dự án đô thị mới theo quy hoạch.

Hà Nam sẽ thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới với mục tiêu hết năm 2019, tất cả huyện, thành phố đạt chuẩn; tích cực thực hiện Đề án Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu trong năm 2019, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 xã triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, triển khai xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, thường xuyên đối thoại với người dân để tạo đồng thuận trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện và bền vững.

Một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2019:

Tập trung chỉ đạo, triển khai Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7, Trung ương 8 (khóa XII), các kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy.

Tăng cường xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút đầu tư và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phát triển.

Thực hiện nghiêm 10 cam kết và các thỏa thuận hợp tác với các địa phương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp lớn.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị trong trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Triển khai Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về thương mại, dịch vụ.

Hướng tới mục tiêu tự cân đối ngân sách vào năm 2020.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Nam. Thu hút các trường đại học chất lượng, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các bệnh viện.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng và trách nhiệm cán bộ, công chức; triển khai chính quyền điện tử.

Tin liên quan
Tin khác