Đầu tư và cuộc sống
Hướng tới nền giáo dục học thật, thi thật, chất lượng thật
Dương Ngân - 07/02/2022 09:25
Để hướng tới một nền giáo dục học thật, thi thật, chất lượng thật, trước tiên, cần loại bỏ căn bệnh thành tích trầm kha, “thi đua” dạy và học, đừng “chạy đua” theo thành tích “ảo”.
PGS-TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về chủ đề phát triển giáo dục, PGS-TS. Trần Xuân Nhĩ khá xúc động khi hồi tưởng về những năm tháng đứng trên bục giảng của mình.

Ông nói, người thầy thời xưa hay thời nay cũng đều mang trong mình khát vọng tạo ra các thế hệ học trò có tâm, có tài. Người thầy, dù chỉ là một thầy giáo làng, cũng có thể là một nhà khai sáng, nhà hoạt động xã hội được nể trọng. Không chỉ truyền đạt kiến thức, người thầy còn phải luôn là tấm gương trong cuộc sống để học sinh noi theo.

Đặc biệt, trong kỷ nguyên của công nghệ, mọi thứ đang phát triển, thay đổi với tốc độ chóng mặt, hơn bao giờ hết, vai trò của nhà giáo càng trở nên quan trọng. Bản thân người thầy cần xóa bỏ những tư duy cũ kỹ, xáo mòn và lạc hậu; chủ động học hỏi để “nâng chuẩn”, làm chủ công nghệ, cập nhật xu hướng, phương pháp giáo dục mới của thế giới.

Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học.
 Nhà giáo dục học Tiệp Khắc Comenxki

Nghề giáo đóng vai trò quan trọng, góp phần dẫn dắt, định hướng sự tiến bộ của xã hội. Sản phẩm của nghề giáo là học trò - là con người. Bởi vậy, các thầy cô giáo phải làm sao để truyền cho các thế hệ họ trò những cảm hứng tích cực, động lực mạnh mẽ, niềm đam mê học tập, nghiên cứu, giúp học trò nâng cao năng lực học và tự học.

Bên cạnh đó, người thầy cần gieo được hạt mầm thiện lương vào tâm hồn trẻ, nhân lên trong con trẻ tấm lòng bao dung, biết ơn, tinh thần tự hào dân tộc, sự tử tế trong từng hành động, suy nghĩ.

PGS-TS. Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, thời nào cũng vậy, không có bất kỳ loại máy móc, thiết bị nào thay thế được vị trí của người thầy, dù ngày nay, công nghệ hiện đại đóng vai trò bổ trợ rất tốt cho các thầy cô trong công tác giảng dạy, cập nhật nội dung phong phú, nhiều công đoạn được số hóa.

Giá trị quan trọng nhất của người thầy là truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa khát khao học tập; dung dưỡng tâm hồn, đạo đức, lối sống tốt đẹp trong mỗi học trò. Những điều này không có bất kỳ thứ máy móc nào thay thế được.

Những năm gần đây, ngành giáo dục đã có rất nhiều đổi mới, đi vào thực chất, nhưng “căn bệnh” thành tích vẫn như một thứ ung nhọt gặm nhấm học đường. Phải làm sao để cắt đi khối “thịt thừa” này, thưa ông?

“Bệnh thành tích” thực chất là nuôi dưỡng sự giả tạo, gian dối. Nếu không từng bước đẩy lùi, khắc phục triệt để căn bệnh này, thì phương châm “Dạy thật, học thật, nhân tài thật” mà người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu ngành giáo dục phải quyết liệt triển khai, thực hiện nghiêm túc ở các cấp học, các nhà trường sẽ còn gặp nhiều thách thức và khó thành hiện thực.

Để xóa bỏ “bệnh thành tích” trong giáo dục theo hướng thực tế hơn, tôi cho rằng, chúng ta nên thực hiện một số giải pháp như sau.

Trước hết, ngành giáo dục không nên đề ra các tiêu chí thi đua thiếu hợp lý. Đặc biệt, không nên đề ra các chỉ tiêu quá cao về chất lượng với số lượng học sinh khá, giỏi trong từng lớp, khối lớp hoặc của cả nhà trường, với những con số vô hồn, không đúng thực tế.

Các chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng trên cơ sở thực tế, đặc thù của từng bộ môn, từng lớp, từng trường, từng vùng miền, không nên để các trường phải chạy đua nhau vì thành tích. Nên động viên các nhà giáo và học sinh “thi đua” dạy và học, đừng buộc các nhà giáo và học sinh phải “chạy đua” cho những danh hiệu, thành tích “ảo”.

Bên cạnh đó, nên tổ chức các kỳ kiểm tra theo đúng quy định, nhưng gọn nhẹ, giảm tối đa áp lực cho học sinh. Trong năm học, học sinh sẽ phải trải qua một số kỳ kiểm tra, nhưng thầy cô cần đánh giá thực chất việc học hành của học sinh. Khung đánh giá năng lực học sinh cũng phải toàn diện hơn, bởi ngoài điểm số, còn là sự tiến bộ của học sinh qua sự dạy bảo, nhận xét khéo léo, chân tình của giáo viên và cả phần tự đánh giá của gia đình....

Hãy để nhà trường có thể nghiêm túc sử dụng các hình thức khen thưởng và kỷ luật học sinh căn cứ vào điều lệ các cấp học và quy chế đánh giá, xếp loại học sinh. Không nên tổ chức xếp hạng thi đua trong nhà trường, mà chỉ nên đánh giá giáo viên trong năm học có hoàn thành nhiệm vụ hay không và có thể đề nghị khen thưởng một số giáo viên có thành tích nổi bật trong năm học.

Gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải hiểu rằng, xã hội nào cũng cần “nhân tài”, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành nhân tài. Phụ huynh đừng ép buộc con mình phải là nhân tài; nhà trường đừng đòi hỏi học sinh của mình đều là nhân tài; xã hội đừng đòi hỏi nhà giáo phải đào tạo ra toàn bộ công dân nhân tài. Nhà trường và các thầy cô phải giáo dục học sinh để các em ý thức rằng, cần học tập tốt để trở thành công dân tốt và tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để có thể trở thành nhân tài (nếu được), cho dù còn là học sinh hay sau khi đã ra trường.

Vậy theo ông, áp lực lớn nhất mà các thầy cô đang phải đối diện là gì? Liệu những hào quang của “Nghề cao quý trong mọi nghề cao quý” có lấp đầy được nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” mà các thầy cô phải đối diện?

Áp lực của nhà giáo hiện nay là không nhỏ, thu nhập thì chưa cao, nhưng không vì thế mà nghề giáo mất đi vai trò, ý nghĩa cao quý, thiêng liêng trong giai đoạn hiện nay.

Người thầy trong mọi thời đại đều xác định nghề của mình là một nghề cao quý, thiêng liêng và luôn coi đối tượng lao động của mình là nhân cách, tâm hồn, thể chất con người nói chung và của một thế hệ nói riêng.

Áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” không chỉ là áp lực riêng của nhà giáo, mà cũng là áp lực của những người lao động trong nhiều ngành, nghề khác nhau. Khi đã lựa chọn nghề giáo, thì phải xác định đây là nghề “trồng người”, các giá trị không đo đếm bằng lợi ích vật chất.

Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao, không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng của những nhà giáo lỗi lạc. Tên tuổi những nhà giáo ấy đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và được lưu truyền mãi mãi.

Chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến nhiều thầy, cô giáo đi theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước và cũng là lương tâm, trách nhiệm, đã không quản ngại nắng mưa, tình nguyện “cõng chữ lên non”, mang ánh sáng của con chữ đến với học sinh và kiến thức xây dựng kinh tế đến đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, giúp họ vượt lên rào cản hủ tục, thoát khỏi cái nghèo, cái đói.

Bên cạnh đó, theo tôi, những thầy cô giáo ngày nay còn có một áp lực lớn nữa là phải làm sao để vừa là cha, là mẹ, vừa là bạn với học trò; làm sao để ranh giới thầy - trò không mất đi lễ nghĩa, nhưng lại thật nhẹ nhàng, thoải mái để tạo không khí gần gũi, thân thiết. Văn hóa ứng xử phải có sự uyển chuyển, linh hoạt, vừa vẹn tròn đạo lý, lại vừa phải mang hơi thở của thời đại.

Ngoài ra, trong giáo dục, thầy cô rất cần sự phối hợp của gia đình mới đạt hiệu quả. Tuy vậy, hiện nay, nhiều phụ huynh học sinh có tâm lý phó mặc cho nhà trường, cho giáo viên. 

Để mỗi sinh viên đến với ngành sư phạm, mỗi thầy cô theo nghề sư phạm không chỉ coi đây là một nghề mưu sinh, mà là sự lựa chọn và thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề, cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Thiết nghĩ, chỉ cần mỗi thầy cô luôn thể hiện mình là người hết lòng với nghề, không tham lam, vụ lợi, lấy sự thành công của người học là thành công của mình, thì những gì thầy cô nhận có thể không phải là vật chất giàu sang, nhưng sự bình yên trong tâm hồn, những giá trị tinh thần còn lớn hơn ngàn lần những giá trị vật chất.

Nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý, nên các em học sinh có ý định thi vào ngành sư phạm, sinh viên sư phạm hãy cứ ước mơ, hãy mạnh dạn theo đuổi ước mơ làm giáo viên của mình. Được trở thành giáo viên là điều rất thiêng liêng, người giáo viên có sứ mệnh cao cả là mang lại nguồn tri thức, giáo dục đạo đức và nhân cách cho học trò.

Giai đoạn hiện nay, trước nhiều áp lực phải đối diện, để hình ảnh người thầy mãi mãi là khuôn mẫu, chuẩn mực của xã hội, mỗi lời nói và hành động của thầy phải trở thành “khuôn vàng, thước ngọc”.

Đặc biệt, tôi cho rằng, trong khi xã hội đang ít nhiều bị lung lay niềm tin về giáo dục, thì trung thực với bản thân, trung thực với học trò và với cộng đồng là phẩm chất mà mỗi người thầy cần phải có.

Nhiều năm đứng trên bục giảng, cứ mỗi chuyến đò sang sông an toàn, vững bước để đi tiếp, tôi luôn cảm thấy tự hào, dù trong từng chuyến đò cũng không tránh khỏi sóng gió...

Khi mà xã hội ngày càng đặt ra những yêu cầu cao đối với ngành giáo dục, thì người thầy phải đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiều vai trò khác nhau.

Bất chấp những biến đổi và thử thách của thời đại, tôi luôn tin tưởng rằng, những “chuyến đò tri thức” của ngành giáo dục sẽ không ngừng cập bến, mang theo những tin tưởng và hoài vọng của cả thầy và trò.

Tin liên quan
Tin khác