Ngân hàng - Bảo hiểm
Hướng xử lý “cục máu đông” nợ xấu
Mạnh Bôn - 01/06/2017 07:51
Nợ xấu được ví như cục máu đông hay đống rác đầu làng, xử lý sớm ngày nào tốt ngày ấy. “Quốc hội sẽ tìm ra phương án xử lý vấn đề này triệt để khi thảo luận Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào ngày 7/6/2017 tới đây”, ông Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết.
TIN LIÊN QUAN

Tính đến cuối năm 2016, nợ xấu chỉ còn tương đương 2,46% tổng dư nợ tín dụng - tỷ lệ lý tưởng với hệ thống ngân hàng ngay ở những nước có thị trường tài chính phát triển. Thưa ông, vậy có nhất thiết phải ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu?

Từ năm 2011 đến nay, tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản, thu hồi nợ từ thi hành án, sử dụng dự phòng rủi ro… Kết quả là, trong giai đoạn này, đã xử lý được 493.090 tỷ đồng nợ xấu.

.

Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2017, nợ xấu còn phải xử lý tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là khoảng 190.000 tỷ đồng; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án là 58.998 tỷ đồng, không kể số nợ xấu còn nằm ở các tổ chức tín dụng. Giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn rất lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Nợ xấu dù hình thành từ nguyên nhân nào đi chăng nữa, khách quan hay chủ quan, thì cũng phải xử lý, vì đây là nguồn lực của xã hội, phải được đưa vào thị trường để khai thác, chứ không thể để nằm chết một chỗ. Vì vậy, Quốc hội cần phải ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo ông, nợ xấu tăng rất nhanh do đâu?

Trong quản lý thuế, dù muốn hay không, thì nợ thuế vẫn tồn tại, do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, vấn đề là tỷ lệ nợ bao nhiêu, nếu dưới 5% là hợp lý. Tương tự, trong hoạt động tín dụng, dù muốn hay không, thì nợ xấu vẫn tồn tại, nhưng nợ xấu lên mức 17,21% tại thời điểm đầu quý IV/2012 là quá sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.

Về nguyên nhân khách quan, nợ xấu phát sinh trước hết là do tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nhanh. Giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 29,49%/năm và tăng lên 33,34%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010, đặc biệt năm 2007 tăng tới 51,54%. 

Thứ hai, nguồn vốn ngân hàng, thay vì tập trung đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lại cho vay vào một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là đầu tư cho chứng khoán và bất động sản. Khi thị trường chứng khoán và bất động sản thoái trào, thì nợ xấu tăng mạnh.

Thứ ba, từ năm 2011 trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động vô cùng lớn.

Thứ tư, từ giai đoạn 2007-2011 (trừ năm 2009), năm nào lạm phát cũng ở mức 2 con số, trong đó, năm 2008 và năm 2011, lạm phát lên tới 19,89% và 18,13%. Lạm phát tăng, ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao, nên cho vay ra với lãi suất 20 - 24%/năm là đòn giáng mạnh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thế còn nguyên nhân chủ quan thì sao?

Từ năm 2010 trở về trước, Việt Nam có thể nói là “lạm phát” ngân hàng. Nhiều quỹ tín dụng nhân dân trở thành ngân hàng thương mại và liên tục tăng vốn khiến áp lực lợi nhuận, trả cổ tức cho cổ đông vô cùng lớn. Để bảo đảm lợi ích, rất nhiều ngân hàng đã cho vay dưới chuẩn. Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cả ở hội sở lẫn chi nhánh, cán bộ tín dụng cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi. Trong mấy năm gần đây, hàng loạt ông chủ nhà băng, cán bộ tín dụng, cán bộ lãnh đạo các tổ chức tín dụng bị khởi tố, điều tra, truy tố trước pháp luật đã minh chứng điều này. Đây là bài học xương máu cho hệ thống ngân hàng.

Tôi nhắc lại rằng, nợ xấu dù có nguyên nhân từ khách quan hay chủ quan thì cũng phải xử lý. Nợ xấu được ví như “cục máu đông” hay “đống rác đầu làng”, nếu chậm xử lý, không chỉ lãng phí nguồn lực vô cùng lớn của xã hội, mà còn hạn chế ngân hàng đầu tư cho nền kinh tế, khó có thể hạ lãi suất cho vay vì phải trích lập dự phòng rủi ro, khiến doanh nghiệp khó có thể hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chất lượng tín dụng làm sao cải thiện được khi lĩnh vực nào cũng đề nghị hệ thống ngân hàng phải thông thoáng hơn trong cho vay?

Điều đáng nói là, khu vực sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp - nông thôn, mặc dù được hưởng một số ưu đãi trong tiếp cận tín dụng, nhưng nợ xấu ở những khu vực này rất thấp. Trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 1,5%.

Nợ xấu chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chỉ tính riêng 12 doanh nghiệp đang “nằm trong tâm bão dư luận” như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai, Đóng tàu Dung Quất, Thép Việt Trung, Gang thép Thái Nguyên..., với tổng mức đầu tư 63.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng chiếm hơn 70% đã trở thành nợ xấu, vì các nhà máy này vào thời điểm cuối năm 2016 đã thua lỗ hơn 16.000 tỷ đồng.

Như ông nói, nợ xấu dù xuất phát từ nguyên nhân nào cũng phải xử lý triệt để, nhưng vấn đề là bán cho ai?

Muốn có người mua phải tháo gỡ các vướng mắc về văn bản pháp lý. Nghị quyết về xử lý nợ xấu chính là văn bản tháo gỡ các vướng mắc về văn bản pháp lý trong giải quyết nợ xấu. Hiện tại, ngân hàng và cả VAMC rất sợ bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách kế toán vì sợ liên lụy đến hình sự. Nghị quyết cho phép bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, tức là có thể bán thấp hơn giá trị của khoản nợ xấu, nhưng phải công khai, minh bạch theo giá thị trường.

Tin liên quan
Tin khác