Tài chính - Chứng khoán
Hụt 10.000 tỷ đồng thuế xăng dầu
Thanh Hương - 08/02/2017 14:21
Số thu từ thuế các loại của mặt hàng xăng dầu trong năm 2016 đã giảm mạnh, tới khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm 2015.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Chuyển hướng nhập khẩu

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), thuế thu được từ nhập khẩu xăng dầu và xuất khẩu dầu thô trong năm 2016 đã có những biến động mạnh.

Cụ thể, với mặt hàng dầu thô, dự toán thu thuế được xây dựng là 60 USD/thùng nhưng trên thực tế chỉ đạt bình quân 41 USD/thùng trong năm 2016. Điều này đã khiến thuế các loại thu từ dầu thô xuất khẩu giảm khoảng 1.800 tỷ đồng so với năm 2015.

Thống kê hải quan cho thấy, xuất khẩu dầu thô năm 2016 của Việt Nam đạt 6,849 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,357 tỷ USD, giảm 25,4% về lượng nhưng giảm tới 36,5% về giá trị.

Tuy nhiên “thiệt” nhiều hơn phải kể tới thuế thu từ nhập khẩu xăng dầu. Ngoài ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới giảm khi ăn theo giá dầu, việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc và ASEAN cũng khiến thuế các loại thu từ mặt hàng này giảm mạnh.

Thống kê của Cục Thuế xuất nhập khẩu cho hay, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường Hàn Quốc và ASEAN thấp hơn so với mức thuế suất ưu đãi tối huệ quốc (MFN) nhiều khiến các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã chuyển hướng mạnh sang nhập khẩu từ các nguồn này. Thực tế này đã khiến cho số thu từ xăng dầu nhập khẩu giảm mạnh, khoảng 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.

“Năm 2015, số thu từ mặt hàng này chiếm khoảng 12,3% tổng số thu thì năm 2016 chỉ chiếm khoảng 8,2% tổng số thu”, là nhận xét của Cục Thuế xuất nhập khẩu.

Đáng nói là năm 2016, cả nước nhập khẩu 11,855 triệu tấn xăng dầu với giá trị là 4,944 tỷ USD. Xét về lượng, năm 2015, nhập khẩu xăng dầu chỉ là 10,057 triệu tấn; nghĩa là thấp hơn tương đối so với lượng nhập khẩu của năm 2016.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) trong lần họp báo tháng 10/2016 đã thẳng thắn cho hay, trước năm 2016, thuế nhập khẩu xăng vào Việt Nam có mức 20%. Tuy nhiên, khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế 10%, bằng nửa so với thuế suất thuế nhập khẩu xăng từ Singapore hay Ả Rập nên đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ trong nguồn nhập khẩu xăng. “Nếu trong 10 tháng của năm 2015, nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc chỉ có 185.000 tấn, thì 10 tháng năm 2016, lượng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc đã đạt 1,520 triệu tấn, tức là gấp gần 10 lần. “Xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2015 chỉ chiếm 10% thị phần tại Việt Nam đã vọt lên mức  nhưng năm 2016 đã lên mức khoảng 67% thị phần”, ông Hùng nói.

Kết quả nhập khẩu xăng dầu của năm 2016 cũng đã chứng minh thực tế thuế thu được từ xăng dầu đã giảm mạnh khi có sự chênh lệch lớn về thuế suất từ các thị trường nhập khẩu.

Bù bằng thuế môi trường

Trong khi thuế ở khâu nhập khẩu với xăng dầu có sự giảm thu mạnh thì việc công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính mới đây cũng gây xôn xao dư luận.

Theo dự thảo, khung thuế với xăng tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay lên 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel (1.500 - 4.000 đồng/lít), dầu hoả (300 - 2.000 đồng/lít), dầu ma zút (900 - 4.000 đồng/lít), dầu nhờn (900 - 4.000 đồng/lít), mỡ nhờn (900 - 4.000 đồng/kg). Hiệu lực thi hành được ghi trong dự thảo là trong năm 2018.
Ông Vũ Khắc Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, một trong những lý do cho đề xuất tăng thu thuế bảo vệ môi trường là để cơ cấu lại ngân sách trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế bị cắt giảm.
Theo ông Liêm, khoảng 10 năm trước đây, thu thuế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu với các loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng, hiện nay, việc hội nhập sâu rộng đã khiến các phần thu thuế trước kia bị hụt dẫn đến cơ cấu thu bị thay đổi.
Dĩ nhiên, đề xuất của Bộ Tài chính mới “chỉ là khung thuế điều chỉnh vào Luật để sau này có những điều chỉnh về mức thu chi phù hợp với quá trình hội nhập còn mức áp dụng cụ thể với từng thời kỳ sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành”, ông Liêm nói và cho biết Bộ Tài chính đang tính khung thuế trên khi thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về 5% và 0% thì áp dụng, đảm bảo giá xăng dầu không thấp hơn các nước xung quanh.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng cho rằng việc dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần 8.000 đồng/lít sẽ gây khó khăn tác động liên hoàn đến nền kinh tế, lạm phát, sức cạnh tranh quốc gia.

Đầu năm 2015, Bộ Tài chính cũng quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng - 3.000 đồng/lít khiến thuế phí gánh trên mỗi lít xăng chiếm hơn 50% giá thành.

Dự thảo của Bộ Tài chính cũng có quy định thuế môi trường sẽ được thu từ đầu vào, tức lúc nhập khẩu hay từ các nhà máy lọc dầu khi bán cho các thương nhân đầu mối. Tuy nhiên, Petrolimex cho rằng, quy định này sẽ gây nhiều bất cập, gây thua thiệt cho doanh nghiêp khi phải gánh thuế cả cho cả phần hao hụt trong quá trình vận chuyển, bán ra sản phẩm xăng dầu.
Do đó, tập đoàn này đề nghị giữ nguyên quy định đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm các đầu mối xăng dầu bán ra.

Hiện Việt Nam mới có duy nhất Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn đang hoạt động và trong nửa cuối năm 2017 sẽ có thêm Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại.

Khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước có thể đáp ứng tới trên 70% nhu cầu của cả nước.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR mới đây cũng cho hay, tuy sản xuất được xăng dầu trong nước nhưng vẫn phải đóng thuế nhập khẩu và cao hơn mức thuế nhập khẩu của các đầu mối xăng dầu áp dụng là 10%. Điều này đã khiến doanh nghiệp đầu mối gia tăng mua hàng nhập khẩu. Tới tận ngày 3/9/2016, với quyết định 1725/QĐ-TTg, cho phép BSR cạnh tranh sòng phẳng với thị trường, khiến các đấu mối quay về mua hàng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Kết quả này cũng giúp BSR đạt lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 2.160 tỷ đồng, vượt 2,4 lần kế hoạch năm 2016.

Nhập khẩu xăng dầu (nguồn thống kê hải quan):

 

Năm 2015

Năm 2016

Nhập khẩu xăng dầu các loại cả nước
- Khối lượng (tấn)
- Trị giá (USD)


10.057.961
5.341.895.804


11.855.975
4.944.149.572

Riêng mặt hàng xăng
- Khối lượng
- Trị giá


2.680.635
1.571.594.064


2.586.353
1.234.961.141

Riêng thị trường Hàn Quốc
- Khối lượng 
- Trị giá


343.794
178.923.868


1.904.533
940.420.719

Việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các FTA sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan từ các FTA có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các doanh nghiệp ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình chung, chính sách này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản. Đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý Giá, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25% - 35% đối với xe chạy xăng, từ 35% - 45% đối với xe chạy dầu, 39,5% đối với hàng không.

Đối với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33% - 59% cơ cấu giá thành. Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35% - 40% cơ cấu giá thành. Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân.

(Nguồn: trích Kiến nghị của VCCI gửi tới Thủ tướng Chính phủ về thuế bảo vệ môi trường)

Tin liên quan
Tin khác