Khách Ấn Độ đã lựa chọn Việt Nam để tổ chức đám cưới xa hoa |
Lượng khách Ấn Độ tăng nhanh, nhưng chưa tương xứng tiềm năng
Ấn Độ đang là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và thứ tư trong các nước Đông Nam Á.
Theo Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2016 - 2019, du khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng cao, trung bình 26,7%/năm. Từ 65.600 lượt trong năm 2015, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng lên 169.000 lượt trong năm 2019, đưa Ấn Độ vào top 16 thị trường có khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất năm 2019.
Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam của Asia DMC, con số trên còn quá nhỏ so với số lượng khách Ấn Độ tới các điểm đến trong khu vực. Năm 2019, Thái Lan đón 1,9 triệu lượt khách Ấn Độ, Singapore đón 1,41 triệu lượt, Malaysia đón 735.000 lượt và Indonesia đón 537.000 lượt.
“Ấn Độ là thị trường có quy mô lớn. Khách Ấn Độ tới Việt Nam có thể quay lại nhiều lần. Mỗi năm, chỉ cần 5% người Ấn Độ đi du lịch Việt Nam, thì chúng ta cũng đón được một lượng khách quốc tế khổng lồ”, ông Phạm Hà nói.
Qua kinh nghiệm khai thác phân khúc “nhà giàu” và “siêu giàu” Ấn Độ hơn chục năm nay, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group chia sẻ, người Ấn Độ có tình cảm đặc biệt với Việt Nam và luôn mong muốn đi du lịch Việt Nam. Họ thích nghỉ dưỡng biển, chơi golf, mua sắm, spa, du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, tiệc cưới)…
“Trước đây, đường bay thẳng là vấn đề khó nhất để thu hút khách Ấn Độ, nhưng hiện Vietnam Airlines đã mở đường bay thẳng từ Hà Nội và TP.HCM đến New Delhi (Ấn Độ); Vietjet mở 2 đường bay thẳng kết nối TP.HCM và Hà Nội đến Mumbai, trung tâm kinh tế, tài chính của Ấn Độ. Đây là những bước đi đầu tiên tạo đà phát triển thị trường inbound đưa khách Ấn Độ đến Việt Nam du lịch”, ông Phạm Hà nói.
Thị trường quy mô lớn, có thể quay lại nhiều lần
Ông Phạm Hà cho biết, trước đây, ngành du lịch Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến thị trường khách Độ, khách Ấn Độ cũng chưa hiểu nhiều về Việt Nam. Họ đến Việt Nam chủ yếu qua các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư. Khi đến Việt Nam, hầu hết du khách Ấn Độ đều thấy thích thú và ấn tượng về cảnh đẹp của Việt Nam cũng như công tác tổ chức sự kiện, tour du lịch.
Ấn Độ là nước có nhiều tôn giáo và đa sắc tộc, mỗi vùng có ngôn ngữ, phong tục và đặc thù riêng, đặc biệt là về tôn giáo và ăn uống. Do đó, theo ông Phạm Hà, bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, cần xây dựng sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách Ấn Độ, như: khách đi tour trọn gói theo nhóm; khách là các gia đình giàu có, thượng lưu; khách nữ; khách du lịch cao cấp…
Đặc biệt, Chủ tịch Lux Group nhấn mạnh, Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện lý tưởng để thu hút khách du lịch MICE từ Ấn Độ với các nhu cầu tổ chức đám cưới, quay phim, chơi golf… Thị trường đám cưới tại nước ngoài của Ấn Độ ước tính trị giá hơn 600 triệu USD, tăng trưởng với tốc độ 25 - 30% mỗi năm, với các điểm đến phổ biến là Thái Lan, UAE, Malaysia, Bali, Hy Lạp, Italia… Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ thu hút được một vài đám cưới ở Phú Quốc, Đà Nẵng. “Đây là nguồn khách có tiềm năng và có tác động lớn đến việc quảng bá hình ảnh, dịch vụ du lịch của Việt Nam đến Ấn Độ. Vì du khách Ấn Độ rất tin tưởng vào những thông tin truyền miệng”, ông Phạm Hà tiết lộ.
Chuyên đón khách du lịch là người Ấn Độ sinh sống tại nước ngoài, ông Phạm Tiến Dũng, CEO Golden Tour chia sẻ, bên cạnh những resort đẹp, khách Ấn Độ thích tiêu dùng, ăn uống, tiệc tùng. Họ không bao giờ đi một mình, mà thường đi cả nhóm bạn bè hoặc gia đình. Họ kỹ tính về đi lại, ăn uống, nhưng chi rất mạnh cho tiêu dùng và mua sắm.
Theo đó, ông Dũng cho rằng, ngành du lịch cần có ngay kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch đến “thị trường vàng” này. Rất nhiều nước đã có kế hoạch thu hút khách Ấn Độ nhằm thay thế lượng khách Trung Quốc đang bị thiếu hụt. “Kế hoạch quảng bá du lịch Việt đến thị trường Ấn Độ không thể làm chung chung, mà cần thực hiện các chương trình riêng, phù hợp nhu cầu, thị hiếu và phải quảng bá liên tục thì mới hiệu quả”, ông Dũng nói.
Với dòng khách MICE từ Ấn Độ, ông Dũng cho biết, hằng năm, các công ty Ấn Độ dành rất nhiều kinh phí để tổ chức du lịch cho nhân viên. Do đó, ngành du lịch Việt Nam không chỉ cần chú trọng tiếp cận các công ty lữ hành, mà còn phải tiếp cận những tập đoàn lớn của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, Việt Nam cần có thêm nhiều nhà hàng chuyên biệt phục vụ khách Ấn Độ, vì thói quen thưởng thức ẩm thực của họ rất khác biệt, theo kiểu truyền thống của người Ấn. Thậm chí, có những đoàn khách Ấn Độ còn đưa theo đầu bếp đi cùng để phục vụ nấu ăn.
Một vấn đề nữa cũng được nhiều doanh nghiệp trong ngành đề cập là cần có chính sách miễn visa cho khách Ấn Độ để hấp dẫn du khách từ thị trường này tới Việt Nam.
Ấn Độ là thị trường đông dân và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng. Trong bối cảnh các điểm đến của khu vực đang phục hồi chậm hơn về hạ tầng và dịch vụ du lịch, ngành kinh tế xanh Việt Nam cần tận dụng cơ hội để thu hút khách Ấn Độ, đẩy nhanh tốc độ phục hồi.