Thời sự
Hút khách du lịch: Riêng miễn visa là chưa đủ
Mạnh Bôn - 06/10/2015 08:10
Lượng khách quốc tế 9 tháng đầu năm tiếp tục giảm mặc dù việc miễn thị thực (visa) cho công dân 5 nước châu Âu đã thực hiện được 3 tháng. Ông Đồng Hữu Mạo, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, miễn visa chỉ là cơ hội, còn muốn du khách chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng thì ngành du lịch và các địa phương phải có nhiều hành động thiết thực hơn nữa.

Trong 9 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 6% so với cùng kỳ năm 2014, mặc dù kể từ ngày 1/7/2015, công dân Italy, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Pháp được miễn visa khi đến Việt Nam. Theo ông, vì sao lại có tình trạng này?

Kể từ ngày 1/7/2015, thực hiện Nghị quyết 46/NQ-CP, Việt Nam miễn visa cho công dân Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Như vậy, hiện tại, không kể 9 nước ASEAN, Việt Nam đã đơn phương miễn visa cho công dân đến từ 12 quốc gia (5 nước kể trên và Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga). Và kể từ ngày 15/11/2015 sẽ miễn visa cho Việt kiều và người nước ngoài là vợ, chồng, con của Việt kiều hoặc của công dân Việt Nam theo Nghị định 82/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

Miễn visa là cơ hội rất tốt để thu hút khách du lịch, đặc biệt là đối với những địa phương có nhiều danh lam, thắng cảnh, di sản, bờ biển đẹp như Huế, Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng…

Ông Đồng Hữu Mạo, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Danh thắng được thiên nhiên ban tặng rất nhiều, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do ông cha để lại không ít, cơ hội cũng đã được mở ra, nhưng muốn trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế, thì các địa phương có lợi thế về du lịch cần phải mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm, nghỉ ngơi; phát triển đa dạng, phong phú các loại hình dịch vụ phục vụ du khách, đặc biệt với du khách đến từ các nước phát triển có nhu cầu chi tiêu cao. Chỉ có như vậy mới có thể hấp dẫn du khách tới Việt Nam, lôi kéo họ quay trở lại nhiều lần.

Các địa phương có lợi thế về du lịch chưa tận dụng được nhiều thế mạnh của mình, đặc biệt là các dịch vụ vui chơi, giải trí ít thay đổi, đơn điệu, nhàm chán… Ông có nghĩ như vậy?

Tôi cho rằng, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tuyệt đại đa số du khách quốc tế “một đi không trở lại”. Theo tôi được biết, nhiều địa phương đã quan tâm đến vấn đề này và đang có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư để đa dạng hóa, đổi mới, nâng cao chất lượng, đi đôi với việc khai thác những loại dịch vụ hấp dẫn, độc đáo để thu hút và giữ chân du khách. Bởi trên thực tế, dù danh thắng, di sản có đẹp đến mấy, du khách chỉ có thể tham quan, khám phá 1 - 2 lần là chán nếu không có các loại dịch vụ chất lượng cao, độc đáo, mới lạ, hấp dẫn đi kèm.

Muốn làm được việc này, chỉ riêng chính quyền địa phương thực hiện thì chưa đủ, mà cả xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí… và công ty du lịch lữ hành cũng phải chung tay góp sức.

Muốn người dân tại những nơi có danh thắng, di sản quan tâm đến du lịch thì họ phải sống được bằng du lịch. Điều này, thưa ông, ngoài Hội An, rất ít nơi làm được?

Không chỉ quan tâm đến việc thu hút khách du lịch ngày càng nhiều hơn, ngoài Hội An, đã có nhiều địa phương quan tâm đến việc làm thế nào để ngày càng có nhiều người dân có thể sống được với du lịch thông qua việc cung cấp các dịch vụ cho du lịch. Chỉ khi người dân có thể sống được với du lịch thì họ mới gắn bó, mới đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, học hỏi, nâng cao khả năng ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách, đồng thời bảo vệ danh thắng, di sản.

Muốn phát triển “ngành công nghiệp không khói” bền vững, lâu dài, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du khách, đầu tư nâng cấp, gìn giữ di sản, danh thắng, phải làm sao để người dân sống được bằng du lịch, thay vì “ăn” vào danh thắng, di sản sẵn có.

Nhưng chỉ từng địa phương làm chắc cũng không hiệu quả, thưa ông?

Khi đến Huế, du khách cũng muốn khám phá, nghỉ ngơi ở Hội An, Bà Nà, Sơn Đoòng, Nha Trang, Mũi Né… Đến Hà Nội, du khách cũng có nhu cầu khám phá, nghỉ ngơi ở Hạ Long, Sapa, Tràng An (Ninh Bình)… Vì vậy, các địa phương thay vì mạnh ai nấy làm, cần phải hợp tác, phối hợp với nhau, vì sự phát triển du lịch của địa phương này gắn chặt chẽ với địa phương khác.

Còn ở cấp quốc gia, tôi cho rằng, hàng năm, ngân sách nhà nước phải đầu tư thích đáng cho hoạt động quảng bá du lịch, hình ảnh, văn hóa độc đáo của Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng thế giới.

Để làm được những việc trên cần phải có thời gian, lộ trình và kinh phí?

Đúng vậy, cần phải có lộ trình cụ thể, bắt tay vào làm từng bước. Việc trước mắt, theo tôi, cần chấm dứt ngay tình trạng 2 giá. Hiện tại, rất nhiều danh lam, thắng cảnh, di sản, địa điểm tham quan, giải trí vẫn có sự phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài bằng chính sách hai giá. Người nước ngoài phải mua vé với giá cao hơn người trong nước. Trên thực tế, số tiền thu được do chính sách hai giá không nhiều, trong khi gây mất thiện cảm với du khách nước ngoài, nên nhiều người không muốn quay trở lại.

Tin liên quan
Tin khác