Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII cho biết, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 19.164 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước 4.844 tỷ đồng, tăng 28,9%, vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước và hộ cá thể 13.351,5 tỷ đồng, tăng 15,1%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 968,5 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ.
Động lực phát triển kinh tế từ những dự án tầm cỡ
Kết quả này đã vượt 3,6% so với kế hoạch, tăng 28,7% so với năm 2018 và chiếm khoảng 48% tổng sản phẩm địa phương GRDP. Trong đó, giá trị đầu tư lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,4% (chiếm tỷ lệ 9,6% tổng vốn); lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 55,3% (chiếm 38% tổng vốn); lĩnh vực dịch vụ tăng 34,7% (chiếm khoảng 23,9% tổng vốn); hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 1,2% tổng vốn và tăng gấp 4,6 lần so với năm 2018.
Dự án cầu Dinh Ông xây dựng Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Phú Hòa, thành phố Tuy Hòa và Tuy An - tỉnh Phú Yên là một công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh này |
Trong thời gian qua đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh như dự án: Xây dựng hồ điều hòa Hồ Sơn và hạ tầng xung quanh; Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ; Sửa chữa nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông (giai đoạn 1); Nâng cấp tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên - Gia Lai, đoạn trên địa bàn tỉnh; Tuyến Phước Tân - Bãi Ngà; Cầu Dinh Ông ... Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 đã bố trí 4.024,9 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đến thời điểm hiện tại đạt 62% kế hoạch; ước tỷ lệ giải ngân năm 2019 đạt 95% kế hoạch vốn giao, trong đó: vốn ngân sách địa phương đạt 95%, vốn ngân sách Trung ương đạt 93,7% kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh Phú Yên đẩy mạnh theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; đã tổ chức nhiều đợt tiếp xúc và làm việc với nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh và tổ chức đoàn thăm và làm việc với các công ty, tập đoàn kinh tế lớn để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào tỉnh; tổ chức các đoàn công tác của tỉnh làm việc tại Pháp, Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ để giới thiệu, mời gọi đầu tư vào tỉnh.
Đồng thời, tổ chức tiếp và làm việc với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư về năng lượng tái tạo, thương mại dịch vụ, du lịch, xây dựng khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao… Hiện đang tiếp tục rà soát danh mục dự án kêu gọi đầu tư phù hợp thực tế địa phương và tình hình trong nước, thế giới và ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm giới thiệu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong năm 2019, UBND tỉnh Phú Yên đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 3.572,3 tỷ đồng, trong đó, khu kinh tế và khu công nghiệp là 09 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 87,6 tỷ đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 04 dự án với tổng vốn đầu tư 467,6 tỷ đồng; 05 dự án nhà ở với tổng mức đầu tư gần 1.544 tỷ đồng. Điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư 29 dự án; thu hồi 08 dự án.
Hút vốn từ dự án năng lượng tái tạo
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong năm 2019 đã có 11 nhà đầu tư đăng ký tiếp cận nghiên cứu, khảo sát đầu tư 05 dự án điện mặt trời và 06 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh này đã cho phép 05 nhà đầu tư (05 dự án) được tiếp cận, nghiên cứu khảo sát để lập hồ sơ đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 37 dự án nghiên cứu khảo sát đầu tư, có 05 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn Phú Yên làm điểm đến cho tiến trình phát triển... |
Trong 37 dự án năng lượng tái tạo nghiên cứu khảo sát đầu tư, có 16 dự án điện mặt trời được UBND tỉnh cho phép tiếp cận nghiên cứu khảo sát và trình Bộ Công Thương thẩm định bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó 07 dự án, với tổng công suất là 655 MWp đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực; 09 dự án đã được Bộ Công Thương tổ chức họp thẩm định nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.
Về năng lượng điện gió với 21 dự án, nhà đầu tư đăng ký đề xuất tiếp cận nghiên cứu khảo sát, đầu tư. Trong đó: 02 dự án với tổng công suất là 350 MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực, chưa có chủ trương đầu tư; 09 dự án đã được UBND tỉnh cho phép tiếp cận nghiên cứu, khảo sát lắp đặt cột đo gió. Lĩnh vực này hiện tại đang có 10 nhà đầu tư đề xuất tiếp cận nghiên cứu, khảo sát, đo gió…