ICO vài giờ, có trong tay vài chục triệu USD
Cuối năm 2017, Kik - một công ty tại Canada thông qua hình thức huy động vốn ICO đã có được 100 triệu USD, mức vốn “khủng” nhất trong lịch sử các thương vụ ICO trên thế giới. Kik được thành lập năm 2009 bởi một nhóm nhỏ sinh viên Đại học Waterloo (Ontario, Canada).
Kik sở hữu một ứng dụng trò chuyện cho phép người dùng kết nối với mọi người và doanh nghiệp. Kik được nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư với số vốn tổng cộng sau nhiều năm lên tới 120,5 triệu USD.
Huy động vốn bằng tiền ảo đang được xem là một trào lưu của các doanh nghiệp khởi nghiệp |
Tại Việt Nam, Teky, Kyber Network, Bigbom đã gọi được nhiều triệu USD chỉ trong năm 2017. Trong đó, Kyber Network huy động được 52 triệu USD trong vài giờ, trở thành thương vụ gọi vốn quy mô lớn nhất trong lịch sử khởi nghiệp của người Việt; Học viện Teky huy động được 2,7 triệu USD trong 3 tháng; Bigbom huy động được 10 tỷ đồng trong 1 giờ.
Trong khi đó, các start-up nổi danh nhất là các công ty gọi được vốn “khủng” từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, như Momo (28 triệu USD), Tiki (18 triệu USD), GotIt! (9 triệu USD) hay Vntrip (3 triệu USD). Một điểm chung của các start-up này là đã hoạt động trong một thời gian khá dài, có sản phẩm và đội ngũ đủ mạnh.
Rõ ràng, tình hình thị trường đã có nhiều thay đổi khi xuất hiện các đồng tiền mã hóa (cryptocurrency) và đặc biệt là hình thức gọi vốn ICO. Có những thương vụ chỉ cần có ý tưởng, bản cáo bạch, chưa nhất thiết có sản phẩm, cùng vài buổi road show là có thể mang về triệu USD. Thậm chí, ICO giờ đây dường như trở thành một con đường mới dễ dàng hơn nhiều cho các công ty start-up tìm kiếm nguồn vốn. Theo thống kê, vốn ICO gọi được có thể lớn gấp 10 lần vốn đầu tư mạo hiểm.
Sau Kyber Network, Teky, Bigbom, hàng loạt start-up Việt đã phấn khích với kế hoạch gọi vốn ICO.
Nguyễn Minh Thảo, sáng lập của UmbalaNetwork - ứng dụng công nghệ blockchain quay video, live stream sử dụng các hiệu ứng kỹ xảo, tính năng độc đáo cùng đội ngũ đang lên kế hoạch gọi vốn ICO. Anh kỳ vọng có thể gọi được 30 - 50 triệu USD thông qua ICO. “Tôi biết, nhiều người sẽ nói tôi điên khi nghe thấy con số này. Nhưng điều đó không phải ảo tưởng, mà hoàn toàn có thể đạt được”, anh Minh Thảo khẳng định.
Vượt qua 3 thách thức
Năm 2016, chỉ có 64 thương vụ ICO với vốn 103 triệu USD, thì năm 2017, vốn huy động đạt gần 6,4 tỷ USD. ICO đã vượt trội so với các hình thức gọi vốn cộng đồng khác.
Tại Việt Nam, tỷ lệ start-up gọi vốn qua ICO hay đầu tư mạo hiểm chưa rõ ràng, nhưng sự chênh lệch về vốn huy động giữa hai kênh này cho thấy, chưa bao giờ cơ hội gọi vốn quốc tế lại dễ dàng đến vậy. Con số gọi vốn cho các start-up blockchain có thể lên đến vài triệu đến hàng chục triệu USD trong một thời gian ngắn - điều mà gọi vốn đầu tư mạo hiểm gần như không thể.
Thông qua việc gọi vốn ICO, start-up Việt Nam có cơ hội thực hiện tham vọng quốc tế hóa dễ dàng hơn, vì đôi lúc, nhà đầu tư chính là khách hàng của mình trong tương lai.
Đối với các công ty mới thành lập, ICO được xem là cách huy động vốn nhanh nhất. Tuy nhiên, Minh Thảo cũng đưa ra 3 bất lợi mà start-up có thể gặp phải khi gọi vốn bằng ICO.
Thứ nhất, việc gọi vốn ICO đối mặt với áp lực lớn từ cộng đồng trong quá trình phát triển và thực hiện dự án.
Thứ hai, các hành lang pháp lý chưa rõ ràng, nên phía đơn vị gọi vốn ICO cũng như nhà đầu tư chưa được pháp luật bảo vệ. Do vậy, nếu start-up không thực hiện tốt cam kết của mình với nhà đầu tư thì học có thể bị nhà đầu tư hành hung bất cứ lúc nào.
Thứ ba, việc gọi vốn ICO, cũng như gọi vốn đầu tư mạo hiểm, nếu start-up không nắm được chính xác bài toán vốn cần cho việc xây dựng thành công hệ sinh thái, thì sẽ có nhiều hệ lụy về quản lý tài chính, khủng hoảng công ty, khi nguồn vốn start-up gọi không đủ để thực hiện mọi việc như kỳ vọng.
Với bối cảnh Việt Nam và thế giới hiện nay, việc gọi vốn ICO chỉ thành công với các dự án thực sự ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain và phải trả lời được các câu hỏi: Vì sao dự án cần công nghệ blockchain và công nghệ này giải quyết bài toán gì?
Theo Minh Thảo, trong số các dự án ICO đã và đang diễn ra ở Việt Nam, có đến 90% sẽ thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của dự án gọi ICO, như khi bắt đầu dự án, họ hoàn toàn chưa hiểu chính xác vì sao lại cần công nghệ blockchain; dự án tốt, nhưng thiếu người đủ năng lực để phát triển dự án…
Do đó, khi đầu tư ICO, nhà đầu tư cần hiểu rõ, vì sao dự án cần công nghệ blockchain.
Blockchain và ICO là “bong bóng” hay là công nghệ mới làm nên những cuộc cách mạng trong xã hội? Để trả lời cho câu hỏi này, cần rất nhiều thời gian. Lúc này, vốn huy động của các start-up bằng hình thức ICO đã vượt rất xa vốn đầu tư mạo hiểm, song các start-up nên nhớ rằng, ICO là trào lưu mới rộ lên, trong khi đầu tư mạo hiểm là hình thức đã tồn tại nhiều thập kỷ.