Đầu tư
Hủy kết quả đấu thầu nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ
Anh Minh - 26/05/2014 12:19
Bộ Giao thông vận tải vừa buộc phải hủy kết quả đấu thầu gói thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội theo hình thức BOT.
TIN LIÊN QUAN

Theo Quyết định số 1917/QĐ - BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, Gói thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp - Vân - Cầu Giẽ, Tp.Hà Nội theo hình thức BOT bị hủy kết quả do hồ sơ dự thầu của các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

   
  Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện đã bị xuống cấp trầm trọng sau gần 15 năm khai thác  

Việc hủy kết quả đấu thầu này được sự thống nhất cao của tổ thẩm định kết quả đấu thầu với sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, nhiều khả năng, Bộ Giao thông vận tải sẽ kiến nghị áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư cho Dự án, nhằm đảm bảo tiến độ nâng cấp công trình trọng điểm này.

Được biết, tại lễ mở thầu vào ngày 21/4, chỉ có 2 nhà đầu tư trình nộp hồ sơ dự thầu, gồm liên danh do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 đứng đầu và liên danh Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước đứng đầu.

Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 7.268 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I (cải tạo, nâng cấp mặt đường hiện hữu thành đường cao tốc 4 làn xe) là 1.991 tỷ đồng; giai đoạn II (mở rộng thành cao tốc 6 làn xe) là 5.277 tỷ đồng. Tuyến quốc lộ dài 30 km từ Km182+300, Quốc lộ 1 đến Km 211, Quốc lộ 1 này sẽ được đầu tư nâng cấp để thành đường cao tốc loại A, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Hiện chất lượng của tuyến đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng với nhiều vị trí mặt đường biến dạng, rạn nứt hư hỏng nặng, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Việc triển khai Dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được Bộ Giao thông vận tải bắt đầu triển khai từ năm 2012 và đã được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) triển khai để đảm bảo tính cấp bách Dự án. Tuy nhiên, Nexco Central từ chối tham gia do các đề xuất của nhà đầu tư Nhật Bản không phù hợp với yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải. Dự án sau đó được Bộ Giao thông vận tải kêu gọi đầu tư BOT trong nước.

Tin liên quan
Tin khác