ICAO cũng cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không dự kiến lớn hơn cả đợt dịch Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002- 2003 vì số chuyến bay phải hủy cao hơn nhiều so với trước. |
Lý do dẫn tới cuộc họp này, theo IATA xuất phát từ những hệ lụy rất nặng nề mà dịch do virus corona chủng mới (COVID19) gây ra.
Theo đánh giá của IATA, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không toàn cầu năm 2020 có thể giảm tới 4,7% so dự báo trước đó. Trước khi dịch COVID19 bùng phát từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) và lan rộng, IATA dự báo nhu cầu giao thông hàng không toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện IATA chỉ đưa ra dự báo tăng trưởng của ngành hàng không dân dụng toàn cầu chỉ còn khoảng 0,6%. Như vậy, ngành hàng không thế giới sẽ mất khoảng 29,3 tỷ USD doanh thu từ đại dịch COVID19.
IATA khẳng định, các hãng bay tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ gặp tổn thất nặng nhất sau khi nhu cầu đi lại bằng hàng không tại đây giảm tới 13%. Thay vì tăng 4,8% như các dự báo trước đó, doanh thu năm 2019 của các hãng hàng không trong khu vực sẽ giảm 8,2%, tương đương 27,8 tỷ USD, trong đó riêng thị trường nội địa Trung Quốc mất 12,8 tỷ USD.
IATA cảnh báo, đây mới chỉ là những ước tính tại thời điểm này. Nếu dịch bệnh vẫn còn tiếp tục lan rộng ra các thị trường châu Á - Thái Bình Dương, ảnh hưởng với các hãng bay ở những khu vực khác sẽ còn lớn hơn nữa.
Theo thống kê của OAG Aviation, các hãng bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì thị trường Trung Quốc đại lục tê liệt là Air Macau, Cathay Dragon và Thai Lion Air.
Khoảng 60% công suất của các hãng hàng không này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đại lục. Kế tiếp là Air Asia X (Malaysia), Thai AirAsia (Thái Lan), and Asiana Airlines (Hàn Quốc) với 30% công suất. Scoot (Singapore), All Nippon Airways (Nhật Bản) và Korean Air (Hàn Quốc) đứng sau với 20% công suất.
Ngoài ra, các hãng như Air Asia X, Thai AirAsia và Asiana Airlines có khoảng 30% thị phần là Trung Quốc. Con số này đối với Scoot, All Nippon Airways và Korean Air là gần 20%.
Cần phải nói thêm rằng, thị trường hàng không Việt Nam – Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch kinh doanh của các hãng hàng không trong nước, kể cả những hãng bay chưa thiết lập, hay khai thác đến thị trường này. Tính đến ngày 31/12/2019, thị trường hàng không Việt Nam – Trung Quốc chiếm 18,1% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của Việt Nam. Đối với các hãng hàng không Việt Nam, trong năm 2019, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế, trong đó có hãng bay chiếm tới hơn 1/3 sản lượng khách quốc tế.
Cục Hàng không Việt Nam tính toán, việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng và một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan như hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác phòng dịch…Theo tổng hợp của Cục Hàng không Việt Nam, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay tới Trung Quốc mà các hãng bay Việt Nam phải gánh chịu hiện đã lên tới 10.000 tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc không sớm có những cải thiện.
Việc dừng khai thác đến Trung Quốc của các hãng hàng không hai nước cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay khi mất đi hơn 640 chuyến bay/tuần thường lệ và không thường lệ. Những hệ lụy tiêu cực được cho là sẽ tác động “domino” tới nhiều doanh nghiệp hàng không phụ trợ trong dây chuyền như: suất ăn hàng không, kinh doanh miễn thuế, đồ lưu niệm trong sân bay, xăng dầu hàng không…
Trước khi nhà chức trách hàng không ra quyết định hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thời điểm 13h ngày ½, có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Trong nước, 3 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air khai thác 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến cũng từ 5 thành phố nói trên đến 54 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.
“Với số lượng đường bay dày đặc như trên, sự suy giảm khách trên toàn thị trường hàng không là không thể tránh khỏi dù đúng vào dịp cao điểm vận tải Tết nguyên đán 2020. Năm nay sẽ là năm đặc biệt khó khăn với ngành hàng không”, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam đánh giá.
Nhận định của CEO Vietnam Airines là có cơ sở bởi từ ngày ½ đến 7/2/2020 (một tuần sau khi dừng khai thác thị trường Trung Quốc), tổng thị trường vận chuyển hàng không chỉ đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019 (riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%). Sản lượng vận chuyển của các hãng bay Việt Nam đạt 1,06 triệu khách, giảm 4% trong đó vận chuyển quốc tế giảm tới 28% so với cùng kỳ.
Đối với Vietnam Airlines, bình quân, mỗi tuần kéo dài dịch bệnh, doanh thu của Vietnam Airlines giảm từ 400 – 450 tỷ đồng, dẫn đến 180 – 250 tỷ đồng lỗ thêm.
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường hàng không dựa trên thời điểm phía Trung Quốc công bố hết dịch virus Corona.
Theo đó, đối với phương án tối ưu (công bố hết dịch vào tháng 4/2020), tổng khách vận chuyển bằng hàng không cả nước năm 2020 đạt 80 triệu lượt (41 triệu khách quốc tế và 30 triệu khách nội địa), tăng 1,1% so với năm 2019. Với phương án trung bình (công bố hết dịch vào tháng 6/2020), tổng khách vận chuyển bằng hàng không cả nước năm 2020 chỉ đạt 74,6 triệu lượt (37,6 triệu khách quốc tế và 36,4 triệu khách nội địa), giảm 5,7% so với năm 2020. Với phương án thấp và cũng là xấu nhất (công bố hết dịch vào tháng 8/2020), tổng khách toàn thị trường chỉ đạt vỏn vẹn 65,5 triệu lượt (32,5 triệu khách quốc tế và 33 triệu khách nội địa), giảm 17,2% so với năm 2020.
Nếu phương án 2, 3 xảy ra thì đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, thị trường hàng không Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm sau khi liên tục tăng trưởng hai con số.