Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng đầu tư thêm vào phát triển nhiên liệu sạch là giải pháp quan trọng cho việc cắt giảm phát thải. Trong ảnh: Khu vực bể chứa ethanol tại nhà máy tinh luyện đường Arcis-sur-Aube miền Đông nước Pháp. Nguồn: AFP |
Trong báo cáo chung với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trình bày tại Davos, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng thách thức mà doanh nghiệp dầu khí phải đối mặt ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất và tiêu thụ năng lượng sạch để kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu.
Số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy khoảng 15% lượng phát thải liên quan đến năng lượng trên toàn cầu xuất phát từ việc khai thác và sử dụng dầu khí. Đáng ngại hơn, lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng đã tăng cao kỷ lục trong năm 2018.
Các công ty dầu khí đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng về việc cắt giảm phát thải theo Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. “Mọi thành phần của ngành dầu khí cần xem xét và có biện pháp đáp ứng (yêu cầu ngày càng cao về cắt giảm phát thải). Không hành động gì trước yêu cầu đó không phải là sự lựa chọn”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol khuyến cáo.
Doanh nghiệp dầu khí chịu sức ép cắt giảm phát thải từ các hoạt động và sản phẩm của mình, cũng như việc tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch hơn, dù mỗi doanh nghiệp đề ra mục tiêu thực hiện khác nhau.
Theo ông Birol, nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt của mọi thành phần ngành dầu khí là giảm lượng phát thải carbon từ chính hoạt động của mình. Điều này có thể nhanh chóng cắt giảm lượng lớn phát thải của ngành, đặc biệt là phát thải khí metan.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng, đầu tư thêm vào phát triển nhiên liệu sạch hơn như hydro, khí tự nhiên tái tạo (biomethane) và nhiên liệu sinh học tiên tiến cũng là giải pháp quan trọng cho cắt giảm phát thải. Để ứng phó biến đổi khí hậu, trong vòng 10 năm tới, phát triển nhiên liệu carbon thấp cần được điều chỉnh tăng lên khoảng 15% tổng vốn đầu tư vào nguồn cung nhiên liệu.
Cho đến nay, mức đầu tư bình quân của các công ty dầu khí trong lĩnh vực không cốt lõi như năng lượng tái tạo, vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 1% tổng chi phí đầu tư, chủ yếu rơi vào các dự án năng lượng mặt trời và gió.
Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các công ty dầu khí đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo thông qua bơm nguồn vốn đầu tư lớn và áp dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ năng lượng sạch như thu hồi carbon.