Theo dó, IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ cung cấp các khoản vay cho OCB để giúp hai ngân hàng này tăng cường hỗ trợ khách hàng, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19.
Với nguồn tài trợ từ IFC, OCB sẽ cấp vốn vay bổ sung để những doanh nghiệp trong nước bị gián đoạn về dòng tiền có thể duy trì hoạt động.
Thực tế, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, một động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua.
Thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, OCB đang thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn cần hỗ trợ.
Trong khuôn khổ gói hỗ trợ tài chính nhanh để ứng phó đại dịch COVID-19, IFC sẽ cấp các khoản vay thời hạn một năm và có thể gia hạn trị giá 40 triệu USD cho OCB.
Các khoản tài trợ này sẽ giúp OCB (những khách hàng hiện tại của IFC) tăng cường thanh khoản để tiếp tục cho vay mới cho khách hàng doanh nghiệp, trong khi đồng thời kéo giãn thời hạn trả nợ của các doanh nghiệp.
Trước đó, vào cuối quý 3/2020, IFC cũng ký hợp tác cung cấp cho OCB khoản vay trị giá 100 triệu USD, có kỳ hạn 3 năm bao gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ các tổ chức đầu tư quốc tế tham gia Chương trình Hợp tác đồng cho vay MCPP (Managed Co-Lending Portfolio Program - MCPP) do IFC quản lý.
Đặc biệt, IFC hỗ trợ OCB gia tăng tính ổn định của cấu trúc vốn, cân đối hài hòa hơn về quy mô và kỳ hạn giữa vốn huy động với dư nợ cấp tín dụng bằng ngoại tệ, nâng cao hơn nữa mức độ an toàn thanh khoản trong hoạt động kinh doanh.
Gói tín dụng trung dài hạn trên nhằm giúp OCB mở rộng các hoạt động cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, dự báo trong thời gian tới, mức độ ảnh hưởng của COVID – 19 sẽ vẫn còn dai dẳng. Do đó, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng sẽ còn gặp nhiều khó khăn để từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, OCB đã và đang rà soát, điều chỉnh các chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, giúp họ khôi phục hoạt động, phần nào góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
IFC cũng đang phối hợp cùng các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) huy động một gói tài trợ bổ sung để nâng cao hơn nữa khả năng cho vay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch của OCB.
Đồng thời, IFC đang triển khai gói tài trợ nhanh 8 tỷ USD để hỗ trợ khách hàng thuộc khu vực tư nhân trên toàn cầu trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo IFC, việc hỗ trợ vốn cho OCB không chỉ giúp các ngân hàng có thể kéo giãn thời hạn trả nợ cho nhiều khách hàng mà còn tạo điều kiện để ngân hàng OCB cấp các khoản vay mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và duy trì việc làm, từ đó thúc đẩy phục hồi nền kinh tế Việt Nam