Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với hình thức đầu tư tạo tác động có thể lên đến 26.000 tỷ USD. (Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+) |
Thông tin từ Tổ chức tài chính quốc tế IFC (một thành viên của Ngân hàng Thế giới) cho biết, 59 nhà đầu tư trên thế giới đã đồng thuận triển khai hoạt động theo “Nguyên tắc vận hành trong quản lý đầu tư tạo tác động”.
Theo đó, các nhà đầu tư sẽ tìm các cách thức tạo ra tác động tích cực cho xã hội bên cạnh lợi nhuận tài chính, bằng cách có kỷ luật và minh bạch.
Các tổ chức đồng ý triển khai bộ nguyên tắc này hiện đang nắm giữ ít nhất là 250 tỷ USD tài sản.
Cụ thể, bộ nguyên tắc sẽ cung cấp các tiêu chuẩn rõ ràng cho thị trường đầu tư tạo tác động, giải quyết các quan ngại về vấn đề các tố chức có thể sử dụng việc đầu tư vào các mục tiêu cao cả nhằm che giấu các hoạt động bất minh.
Trước đó, IFC đã chủ trì việc xây dựng bộ nguyên tắc bằng cách thông qua quá trình tham vấn với các bên có liên quan, như các tổ chức quản lý tài sản, chủ sở hữu tài sản, các tổ chức phân bổ tài sản, các ngân hàng phát triển, các định chế tài chính và kéo dài ba tháng.
Tổng Giám đốc Điều hành IFC, ông Philippe Le Houérouis nhận định, đây là cột mốc có ý nghĩa lịch sử và đã đến lúc có thể đưa hình thức đầu tư tạo tác động vào thị trường chính thống. Việc làm này hướng tới tham vọng sẽ có nhiều nguồn vốn hơn nữa được quản lý theo hình thức đầu tư tạo tác động, nhờ đó các cộng đồng trên toàn thế giới sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Trong một báo cáo mới đây, IFC cũng ước tính mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với hình thức đầu tư tạo tác động có thể lên đến 26.000 tỷ USD. Con số này bao gồm 5.000 tỷ USD đến từ các quỹ đầu tư vốn chủ sở hữu tư nhân, trái phiếu địa phương, các quỹ đầu tư mạo hiểm và 21.000 tỷ USD đến từ các thị trường giao dịch đại chúng trái phiếu và cổ phiếu.