Sức khỏe doanh nghiệp
Imexpharm: Kinh doanh trong tháng 8/2021 bị ngưng trệ, doanh thu và lợi nhuận đều giảm
Hồng Phúc - 19/09/2021 14:08
Ban lãnh đạo Imexpharm dự tính trong quý IV/2021, quá trình xét duyệt EU-GMP cho nhà máy công nghệ cao IMP4 (Bình Dương)- “ngôi sao sáng nhất” của Imexpharm sẽ được thực hiện sau thời gian dài trì hoãn.

Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) từng kỳ vọng việc thực hiện các công đoạn chạy thử, xét duyệt, đăng ký sản phẩm cho IMP4 sẽ được nhanh chóng hoàn tất và đi vào hoạt động đầu năm 2020.

Tuy nhiên, thực tế, quá trình này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì diễn biến của đại dịch không ngừng phức tạp.

Theo Báo cáo cập nhật về Imexpharm do Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam công bố đầu tháng 7/2021, có thể đến năm 2022, IMP4 mới được xét duyệt tiêu chuẩn EU-GM.

Tuy nhiên, trong bản tin nhà đầu tư mới nhất do Imexpharm vừa công bố, ban lãnh đạo công ty cho biết, tiến độ xét duyệt nhà máy IMP4 đang đi đúng hướng đề ra. 

Hiện nay, công ty phối hợp với các đơn vị tư vấn và đối tác để đảm bảo nhà máy IMP4 được xét duyệt trong quý IV/2021, khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Nhà máy Dược công nghệ cao tại Bình Dương (IMP4) của Imexpharm. (Nguồn: IMP).

IMP4 là nhà máy Dược công nghệ cao tại Bình Dương, được khánh thành năm 2019 với vốn đầu tư 470 tỷ đồng.

Nhà máy có công nghệ và tổng vốn đầu tư lớn nhất của Imexpharm còn được ví von là “ngôi sao sáng nhất” công ty cho đến thời điểm hiện tại.

Nhà máy được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn EU-GMP, sản xuất thuốc đặc trị với các dạng bào chế đặc biệt. 

Theo những kế hoạch dự kiến, quá trình xét duyệt EU-GMP cho nhà máy hoàn thành trong nửa đầu năm 2020, tuy nhiên do tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, đến nay việc này vẫn chưa hoàn tất.

Sở hữu nhiều dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP là cơ sở để ban lãnh đạo Imexpharm đưa ra kế hoạch tăng trưởng 18%-20% trong giai đoạn 2018-2022 (Theo Báo cáo thường niên năm 2018 của công ty).

Ngoài IMP4, Imexpharm còn 3 nhà máy khác là cụm nhà máy chi nhánh 3 tại Bình Dương với vốn đầu tư 163 tỷ đồng (bao gồm toà nhà sản xuất nhóm Cefalosporin và toà nhà sản xuất nhóm Penicilline), đạt chứng nhận WHO-GMP, EU-GMP.

Thêm vào đó là nhà máy kháng sinh công nghệ cao IMP2 - Vĩnh Lộc với vốn đầu tư 180 tỷ đồng, chuyên sản xuất thuốc nhóm penicillin (như viên nang cứng, viên nén, viên nén bao phim, thuốc bột) và đã được Bộ Y tế Bồ Đào Nha xét duyệt nhà máy theo tiêu chuẩn EU- GMP vào đầu năm 2019.

Và cụm nhà máy cuối cùng tại Đồng Tháp gồm khu sản xuất Non-Betalactam, nhà máy Penicillin và khu thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trung tâm kiểm nghiệm. 

Tổng doanh thu thuần và thu nhập cùng lãi trước thuế của Imexpharm trong 12 tháng qua. 

doanh nghiệp chuyên sản xuất và buôn bán các sản phẩm thuốc tân dược, Imexpharm chọn kháng sinh thuộc nhóm Betalactam làm sản phẩm chủ lực, bao gồm kháng sinh uống và tiêm. 

Ban lãnh đạo công ty cho biết, hoạt động kinh doanh trong tháng 8/2021 bị ngưng trệ do ảnh hưởng của các lệnh giãn cách xã hội.

Kéo theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt gần 12% và 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái; đạt 93,8 tỷ đồng và 17,2 tỷ đồng.

Việc di chuyển ở các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn, khiến kênh ETC sụt giảm nghiêm trọng do người dân hạn chế đến bệnh viện. 

Hiện, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam dần được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Doanh số bán hàng của Imexpharm chỉ có thể phục hồi dần khi các tỉnh ở khu vực này bắt đầu mở cửa trở lại. 

“Tình hình hiện tại theo nhìn nhận của Ban điều hành vẫn còn rất thách thức, đặc biệt khi Imexpharm có 20 chi nhánh bán hàng trên cả nước và rủi ro gián đoạn hoạt động kinh doanh do dịch bệnh luôn hiện hữu”, theo bản tin nhà đầu tư tháng 8/2021 của Imexpharm.

Hàng tồn kho và công nợ của công ty được dự báo sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Cụ thể, họ tăng mức dự trữ nguyên vật liệu nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hầu hết các doanh nghiệp dược đều nhập nguyên liệu từ nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi Ấn Độ đang được dự báo có khả năng trải qua lần bùng phát thứ 4 trong quý III/2021.

Do đó, chuỗi cung ứng toàn cầu được dự đoán có nguy cơ đứt gãy nếu Ấn Độ tái áp dụng các lệnh giãn cách và giá thuốc sẽ có xu hướng tăng do giá nguyên liệu tăng.

Các doanh nghiệp dược phải đối phó với thách thức kép là vừa phải đảm bảo an toàn sản xuất - kinh doanh trong mùa dịch, vừa phải có các chiến lược tồn kho hợp lý khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều biến động.

Tin liên quan
Tin khác