Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 |
Bà Christine Lagarde cho biết, những ưu tiên hàng đầu đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay là chống lại chủ nghĩa bảo hộ, phòng ngừa rủi ro tài chính và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Theo người đứng đầu IMF, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới các doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng trên toàn cầu của doanh nghiệp.
“Lịch sử cho thấy, những hạn chế nhập khẩu gây tổn hại cho tất cả mọi người, đặc biệt là người tiêu dùng nghèo. Việc này không chỉ dẫn đến giá sản phẩm đắt hơn và hạn chế lựa chọn, mà còn ngáng trở vai trò quan trọng của thương mại là thúc đẩy tăng năng suất và phổ biến công nghệ mới”, bà Christine Lagarde nói.
Theo bà Christine Lagarde, cách tốt nhất để giải quyết những mất cân bằng trên toàn cầu là sử dụng các công cụ tài khóa hoặc thực hiện các cải cách cơ cấu.
“Các nhà hoạch định chính sách cần cam kết tạo sân chơi công bằng và giải quyết tranh chấp không phải bằng các biện pháp ngoại lệ”, là Christine Lagarde nói.
Những phân tích mới đây của IMF cho thấy, nợ toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, với 164.000 tỷ USD, tăng tới 40% so với năm 2017, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 50% số tăng thêm.
Với thực tế đó, bà Christine Lagarde cho rằng, các nền kinh tế cần phải giảm thâm hụt ngân sách, tăng cường các cơ cấu tài khóa và giảm dần nợ công.
Trước khi tới Hồng Kông, bà Christine Lagarde đã tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018, tổ chức tại Hải Nam (Trung Quốc). Phát biểu tại diễn đàn này, bà Christine Lagarde cho biết, IMF lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.