Nợ trên toàn cầu đã tăng lên mức 225% GDP |
Theo IMF, nợ của các nền kinh tế trên toàn cầu hiện cao hơn so với thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất. Do vậy, các nước cần hành động ngay lập tức để cải thiện tình hình tài chính trước khi bước vào kỳ suy giảm tiếp theo.
Số liệu của IMF cho thấy, việc duy trì lãi suất thấp kéo dài đã tạo thuận lợi cho nợ tăng lên mức 225% GDP, cao hơn 12 điểm phần trăm so với mức kỷ lục trước vào năm 2009.
IMF cho biết, Trung Quốc đóng góp nhiều vào mức tăng này, song tất cả các nước phát triển, các nước mới nổi và các nước có thu nhập thấp đều có tỷ lệ nợ rất cao.
Thể chế tài chính quốc tế có trụ sở tại Washington này đã chỉ trích Mỹ rằng, những kích thích tài chính của Tổng thống Donald Trump (gói cắt giảm thuế và tăng chi tiêu) đã làm cho thâm hụt ngân sách của nước này tăng nhanh trong bối cảnh nhẽ ra phải giảm thâm hụt.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức 3,9% trong năm nay và năm 2019, song IMF cũng nhận định rằng, mức tăng trưởng khả quan sẽ không kéo dài và những nước giảm thâm hụt ngân sách ngay từ bây giờ sẽ an toàn hơn khi tình hình trở nên xấu đi.
“Cần hành động quyết liệt ngay từ bây giờ để tăng cường các đệm tài chính, đồng thời tận dụng đầy đủ những lợi thế của chu kỳ đi lên trong hoạt động kinh tế. Cần nhấn mạnh rằng, việc tạo dựng vốn đệm ngay bây giờ sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế, qua việc tạo dư địa cho chính sách tài khóa để hỗ trợ khi kinh tế suy giảm, cũng như làm giảm rủi ro tài chính nếu điều kiện tài chính toàn cầu bất ngờ thắt chặt”, IMF khuyến nghị.
IMF cho biết, Trung Quốc - nền kinh tế thị trường mới nổi lớn nhất - chiếm tới hơn 40% mức tăng của nợ toàn cầu kể từ năm 2007. Mức nợ chung của các thị trường mới nổi hiện giờ là 50% GDP - mức cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Nợ của các nước nghèo nhất thế giới hầu hết đã được xóa theo Thỏa thuận Gleneagles năm 2005, song IMF cho biết, tỷ lệ nợ/GDP của các nước này vẫn có xu hướng tăng và hiện ở mức trên 40% GDP.
Ông Vítor Gaspar, Giám đốc mảng tài khóa của IMF cho biết, sau khi xóa nợ (năm 2005), tỷ lệ nợ ở các nước nghèo nhất đã tăng lên đáng kể. Chỉ trong 5 năm qua, tỷ lệ nợ/GDP của các nước này đã tăng tới 13 điểm phần trăm.