Trong đánh giá mới về tình hình kinh tế toàn cầu, IMF cho biết nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát thấp và tăng chậm, bắt nguồn từ sự tăng trưởng yếu của kinh tế toàn cầu.
Nếu các ngân hàng trung ương không thể ngăn chặn xu thế này, cùng với sự mất niềm tin của các doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế của nhiều quốc gia có nguy cơ rơi vào vòng xoáy giảm phát. Điều đó sẽ dẫn tới tình trạng giá cả giảm và các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và đầu tư, qua đó làm trì trệ nền kinh tế.
Theo IMF, một hệ quả của tình trạng lạm phát thấp kéo dài có thể là một vòng luẩn quẩn như đã thấy ở Nhật Bản, khi nhu cầu yếu và giảm phát có tác động lẫn nhau và cuối cùng là làm tăng gánh nặng nợ, gây trở ngại cho hoạt động kinh tế và tạo việc làm.
IMF cho rằng, một phần của vấn đề là về nhận thức, tức là nếu cho rằng lạm phát sẽ tăng chậm bất kể các giải pháp mà các ngân hàng trung ương đã thực hiện thì hiệu quả của chính sách tiền tệ sẽ bị hạn chế. IMF cho rằng có một số dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển đã nhận thức rõ hơn về sự thiếu các giải pháp về chính sách để có thể thay đổi tình hình.
Thêm vào đó, những yếu tố bất lợi cho lạm phát như việc nước Anh trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên minh châu Âu, từ đó làm chậm tăng trưởng và đầu tư, có thể gây thêm sức ép suy giảm mà các ngân hàng trung ương không thể đẩy lùi.
IMF lưu ý rằng tình trạng lạm phát thấp đang thách thức khả năng của các ngân hàng trung ương trong việc sử dụng chính sách tiền tệ để kích cầu, bởi vì lãi suất có lẽ đang được duy trì ở mức quá thấp, khiến các ngân hàng có rất ít điều kiện cắt giảm sâu hơn nữa.
Theo IMF, điều đó đúng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Thể chế tài chính này kêu gọi các chính phủ sử dụng các chính sách chi tiêu, cải cách và thu nhập để kích cầu và nâng các dự báo lạm phát.