Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tiếp Phó chủ tịch Công ty Intel kiêm Tổng giám đốc Nhà máy Intel Product Việt Nam (IPV) |
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại buổi làm việc với ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nhà máy Intel Products Việt Nam (IPV) tại trụ sở Bộ Công thương, chiều 18/3..
Intel bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TP HCM. Sau lần đầu tư thêm 475 triệu USD đầu năm 2021, tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn vào Việt Nam là 1,5 tỷ USD.
Việc tăng vốn đầu trong những năm qua đã khẳng định tầm quan trọng của nhà máy Intel Việt Nam trong chuỗi sản xuất của Tập đoàn.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Intel sẽ tiếp tục giải ngân vốn như cam kết của dự án trong giai đoạn 1 với Việt Nam cũng như có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
"Bộ Công thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho Intel có thể triển khai hoạt động đầu tư và sản xuất tại Việt Nam trên cơ sở không vi phạm quy định và những cam kết với quốc tế và đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan báo cáo với Chính phủ giải quyết đề xuất của Intel", Thứ trưởng Tân cam kết.
Cùng đó, ông đã yêu cầu Intel cần nghiên cứu tận dụng những ưu đãi đặc biệt của Chính phủ đã dành cho các doanh nghiệp công nghệ, công nghệ cao, đặc biệt có trụ sở tại Khu công nghiệp, công nghệ cao tại TP.HCM, nơi có những chính sách ưu đãi đặc thù về lĩnh vực trên.
Intel Products Việt Nam là một trong 10 địa điểm sản xuất của Intel trên toàn cầu. Tính từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn này đã xuất khẩu 85 tỷ USD sản phẩm sản xuất tại Việt Nam ra thế giới. Riêng trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Intel ước đạt 10-11 tỷ USD.
Tăng trưởng doanh thu của IPV có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. IPV là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và là một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới. Sự phát triển của IPV đã góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân Việt Nam.
Với mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip điện tử thông qua hợp tác với các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.
Ngoài Intel, các Tập đoàn đa quốc gia khác đổ vốn vào ngành bán dẫn Việt Nam còn có Samsung, Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix, Hayward Quartz Technology, Synopsys và NXP Semiconductors.
Số liệu công bố hồi tháng 5/2023, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á, sau Malaysia và Đài Loan trong xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ.