HRT là công ty con của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam |
Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ sau chuyển đổi của doanh nghiệp là 800,5tỷ đồng, tương đương với hơn 80 triệu cổ phần. Trong đó, công ty sẽ chào bán lần đầu ra công chúng hơn 11,3 triệu cổ phần, tương đương với 14,2% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.
HRT là công ty trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đây là một trong những doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá đường sắt trọng điểm của cả nước.
HRT được Tổng Công ty giao tổ chức chạy tàu các tuyến: Tuyến địa phương gồm có: Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Lào Cai, Gia Lâm – Quán Triều, Yên Viên – Hạ Long và Tuyến đường sắt Thống Nhất: chạy tàu khách địa phương các khu đoạn Hà Nội – Vinh; Hà Nội – Đà Nẵng, Vinh – Đồng Hới, Đồng Hới – Huế và các đôi tàu khách Thống Nhất giữa Hà Nội – Sài Gòn.
HRT hiện đang quản lý 594 toa xe khách khổ đường 1000m và 8 toa xe khách khổ đường 1435mm (trong đó có 363 toa xe lắp điều hòa không khí khổ đường 1.000mm), hệ thống kho –bãi, hệ thống nhà xưởng, số lượng phương tiện thiết bị được đầu tư đảm bảo đủ các tiêu chuẩn trong việc tổ chức kinh doanh vận tải, tổ chức bốc xếp, vận chuyển và lưu kho, bảo quản hàng hóa.
Bên cạnh đó, HRT đang quản lý sử dụng 117 khu đất với tổng diện tích gần 560 nghìn m2 tại Hà Nội, Yên Bái, Thanh Hóa, Hải Phòng, Lào Cai, Huế, Quảng Bình, Nghệ An,… để làm trụ sở, phân xưởng, nhà lưu trú, trạm khám chữa toa xe hàng, trạm đầu máy,…Trong 3 năm từ 2012 đến 2014, HRT thu về từ 1.581 tỷ đồng đến 2.701 tỷ đồng doanh thu.
Sau khi trở thành công ty cổ phần, HRT chọn lựa chiến lược tăng trưởng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Theo đó, HRT dự kiến đẩy mạnh liên doanh liên kết trong khai thác vận tải, hợp tác với các công ty du lịch để thu hút các luồng hành khách lớn và ổn định, nâng cao thị phần vận tải; thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ vận tải.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ xây dựng giá cước linh hoạt, điều chỉnh theo ngày cuối tuần, giờ cao điểm và khứ hồi, bán liên kết với các phương thức vận tải khác; triển khai mở rộng các tiện ích của hệ thống bán vé điện tử.
Công ty này cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát chỗ trống trên tàu, bán vé trên tàu và các bưu cục, đại lý, các nơi xa nhà ga, liên kết bán vé trong các siêu thị, trường học, khu công nghiệp....
HRT dự kiến doanh thu trong 3 năm tiếp theo đạt từ 3.143 tỷ đồng đến 3.626 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế từ 5,6 tỷ đồng đến 7,2 tỷ đồng.
Tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại HRT vào thời điểm ngày 31/3/2015 là hơn 800,5 tỷ đồng. Công ty dự kiến giữ vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 800,5 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 60% vốn điều lệ. Hơn 11,3 triệu cổ phần sẽ được phân phối cho nhà đầu tư chiến lược, 9,2 triệu cổ phần dành cho người lao động.
Trong phiên IPO tới, công ty sẽ bán đấu giá công khai hơn 11,3 triệu cổ phần, tương đương 14,2% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.