ACV là một trong những doanh nghiệp liên tục làm ăn có lãi trong ngành giao thông – vận tải, với “hai con gà đẻ trứng vàng” là Sân bay Nội Bài và Sân bay Tân Sơn Nhất. |
Cụ thể, BIDV muốn trở thành cổ đông chiến lược nội địa của ACV bằng việc đầu tư vốn góp với mức sở hữu khoảng 5% vốn điều lệ của ACV sau khi cổ phần hóa.
Với số vốn điều lệ sau cổ phần hóa được Chính phủ chốt ở mức 22.430,985 tỷ đồng, BIDV sẽ phải bỏ ra hơn 1.100 tỷ đồng nếu muốn sở hữu khoảng 110 triệu cổ phần của ACV.
Việc BIDV trở thành cổ đông chiến lược của ACV được cho là có lợi cho phía đơn vị kinh doanh khai thác cảng hàng không, bởi ngân hàng này cam kết ưu tiên cung cấp các dịch vụ ngân hàng tốt nhất như tín dụng, ngoại hối, thanh toán, quản lý dòng tiền.
Theo kế hoạch, ngày 10/12 tới, hơn 77,8 triệu cổ phần, tương ứng 3,47% vốn điều lệ của ACV sẽ được bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với giá khởi điểm 11.800 đồng/cổ phần và sau đó sẽ tiếp tục thực hiện chào bán 20% vốn điều lệ cho các cổ đông chiến lược.
Đơn vị thực hiện tư vấn IPO cho ACV là Công ty cổ phần Chứng khoán BSC – công ty con của BIDV.
Được biết, hình thức cổ phần hóa ACV được phê duyệt là kết hợp vừa bán một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với quy mô vốn điều lệ của ACV là 22.430.985 tỷ đồng, tương đương 2.243 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng. Quy mô vốn này của ACV được đánh giá vào loại lớn nhất cả nước.
Trong số này, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương đương với hơn 1.682 triệu cổ phần. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 31,3 triệu cổ phần, chiếm 1,4% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là hơn 3 triệu cổ phần, tương đương 0,13% vốn điều lệ. Cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là hơn 448 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. Số cổ phần bán đấu giá công khai là hơn 77,8 triệu cổ phần, tương đương 3,47% vốn điều lệ.
Chủ tịch ACV Nguyễn Nguyên Hùng cho biết, Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao Thông - Vận tải quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Dù chưa tiết lộ những tiêu chí cụ thể (do đơn vị này mới trình Bộ Giao Thông - Vận tải, đang chờ phê duyệt), ông Hùng cho biết về cơ bản, nhà đầu tư chiến lược có thể là tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không hoặc là tổ chức tài chính. Sẽ có những tiêu chí cụ thể cho các nhà đầu tư chiến lược và ACV sẽ ưu tiên nhà đầu tư ngoài việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định còn có cam kết mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa, trong đó có việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp…
Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (miền Bắc, miền Nam, miền Trung), ACV là một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. ACV đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, 3 công ty con. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn góp vốn tại 10 công ty cổ phần - tất cả đều có chung lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải mặt đất.
Trên thực tế, ACV cũng là một trong những doanh nghiệp liên tục làm ăn có lãi trong ngành giao thông – vận tải, với “hai con gà đẻ trứng vàng” là Sân bay Nội Bài và Sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 của ACV đạt 8.586 tỷ đồng tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí, ACV công bố mức lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng ước đạt hơn 400 tỷ đồng.