Sáng 5/10, tại TP.HCM, Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” do Báo Đầu tư và SLP Vietnam phối hợp tổ chức quy tụ nhiều nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cùng thảo luận về triển vọng lẫn thách thức của ngành logistics trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều chuyển dịch về cơ cấu, và chất lượng theo hướng xanh hóa.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, logistics là ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế.
Những năm qua, Chính phủ tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách và kết cấu hạ tầng phát triển lĩnh vực quan trọng này. Nhờ vậy, năng lực logistics Việt Nam cải thiện, đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu của Agility, với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Các chuyên gia tại Hội nghị cho rằng Covid-19 và biến động địa chính trị đã tạo ra nhiều thay đổi cho chuỗi cung ứng, từ toàn cầu hóa chuyển dịch sang khu vực hóa, yêu cầu tính đa dạng, tin cậy và an toàn hơn. Cùng với các cam kết bền vững đòi hỏi ngành logistics phải nhanh chóng xanh hóa.
Trong khi Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất lớn tại Đông Nam Á, ngày càng nhiều nhà máy công nghệ cao hiện diện, góp phần vào sự sôi động của hoạt động xuất nhập khẩu. Thị trường tiêu dùng nội địa sôi động cũng đặt ra loạt nhu cầu về những giải pháp logistics toàn diện, giúp tối ưu về thời gian và chi phí.
Sẵn sàng đáp ứng, Việt Nam hiện có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới cung cấp dịch vụ. Trong đó, với hơn 23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics và vận tải quốc tế, ITL đã xây dựng vị thế mạnh mẽ của một National Champion - doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành. Bên cạnh giải thưởng "Thương hiệu Quốc gia", ITL cam kết tiếp tục đầu tư các dự án kho bãi và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam ước tính 200 triệu USD.
Sở hữu khả năng tiếp cận mạng lưới đường hàng không, đường sắt và đường biển rộng khắp, ITL là số ít đơn vị cung cấp dịch vụ End2End toàn diện giúp quản lý và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng của khách hàng.
Ông Alexander Olsen, Phó chủ tịch Khối vận tải quốc tế và thương mại, Tập đoàn ITL cho biết, một phần quan trọng của chiến lược của ITL là kết hợp hơn 30 sà lan và gần 500 xe tải và xe container vào cùng một sản phẩm, kết nối khả năng cuỗi cung ứng End2End và kiểm soát năng lực cho tất cả khách hàng tại Việt Nam.
Ông Alexander Olsen - Phó chủ tịch Khối vận tải quốc tế và thương mại, Tập đoàn ITL |
Điều này giúp ITL tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa từ cảng biển đến các địa điểm cuối cùng một cách hiệu quả và nhanh chóng, là một phần quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ logistics toàn diện cho khách hàng của mình.
Riêng với ngành điện tử đang chứng kiến sự xuất hiện của các ông lớn như Samsung, Apple, Foxconn, ITL sẵn sàng cung cấp các phòng sạch, các kho bãi được thiết kế đặc biệt để xử lý việc lưu trữ vi mạch và các thành phần khác cho việc sản xuất. “Đây là lĩnh vực mà ITL đang đầu tư mạnh mẽ và tôi tin rằng Việt Nam sẽ thành công trong những năm tới trong việc phát triển sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là ở miền Bắc Việt Nam”, ông Alexander Olsen nhận định.
Mặt khác, để hỗ trợ thị trường tiêu dùng sôi động và nối đà xuất khẩu nông sản, thực phẩm kỷ lục hàng năm, chuỗi cung ứng lạnh của ITL liên tục được hoàn thiện. Công ty đã có chuỗi lạnh ở miền Trung và đang xây dựng ở miền Nam. Ở phía Bắc, ITL có kế hoạch mở rộng trong vài năm tới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đội xe tải lạnh và cố gắng tạo ra giải pháp đặc biệt được thiết kế riêng cho khách hàng bán lẻ, và tất nhiên gồm cả khách hàng xuất nhập khẩu”, ông Alexander Olsen cho biết.
Ngoài ra, sự kết nối và vận chuyển xuyên biên giới đang trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. ITL đã mở rộng các giải pháp vận chuyển xuyên biên giới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, bao gồm việc nâng cao khả năng quản lý thủ tục hải quan và tối ưu hóa quy trình để giảm thiểu thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, là một National Champion – doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực logistics và vận tải quốc tế, ITL không chỉ đặt mục tiêu phục vụ khách hàng một cách xuất sắc mà còn cam kết hướng tới sự phát triển xanh và bền vững, phù hợp với xu hướng toàn cầu và sự quan tâm của doanh nghiệp.
Đến nay, ITL đã đạt được Chứng chỉ Xanh cấp 3 (Label Leaf Level 3) do Hiệp Hội Green Freight Asia (GFA) trao tặng nhằm ghi nhận các cam kết nỗ lực của ITL trong việc áp dụng và thực hiện các chương trình phát triển bền vững trong vận tải hàng hóa xanh nhằm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu và giảm thiểu khí thải CO2 tại Việt Nam. Ngoài ra, ITL cũng đầu tư mạnh vào xe đầu kéo có động cơ tiết kiệm nhiên liệu và đạt chuẩn khí thải Euro 4 nhằm bảo vệ môi trường.
ITL đầu tư mạnh vào xe đầu kéo có động cơ tiết kiệm nhiên liệu và đạt chuẩn khí thải Euro 4 |
Tại phiên thảo luận thảo luận chủ đề “Tạo cơ hội cho logistics phát triển trong tương lai”, ông Alexander Olsen cho biết công ty còn tiến hành lắp pin mặt trời ở các nhà kho.
Ngoài ra, giải pháp kết hợp vận tải sà lan và xe tải cũng nhằm tiết giảm phát thải, vì CO2 của mỗi tấn hàng hóa trên xe tải lớn hơn 8 lần so với trên sà lan. “Đồng thời, chúng tôi đang làm việc với các cơ quan và các công ty khác để nhập khẩu các lô xe tải điện đầu tiên vào Việt Nam”, ông tiết lộ.
Cuối cùng, bằng cách thường xuyên đầu tư vào công nghệ và các giải pháp tiên tiến, ITL thể hiện cam kết trong việc duy trì tinh thần tiên phong, cùng mở ra "con đường phía trước" đầy triển vọng và tiềm năng cho ngành logistics và đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.