"Vào cuối năm, rất nhiều bạn bè gọi tôi để hỏi vay tiền. Tôi đã nhận được 5 cuộc gọi như vậy trong một ngày. Trong tuần vừa qua, 10 người bạn của tôi đã cố gắng bán tài sản, điều thực sự khó khăn đối với họ", ông kể.
Theo nhà sáng lập Alibaba, năm 2019 thật sự khó khăn. Những người điều hành luôn hiểu rằng năm nào cũng có thử thách và một số chủ doanh nghiệp phải chật vật. Tuy nhiên, năm nay thì hầu hết doanh nhân đều gặp khó.
Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc, là gương mặt tiêu biểu cho giới doanh nhân tư nhân nước này. Ông cho rằng thế giới đã bước vào thời kỳ thay đổi lớn và nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với sự điều chỉnh rất lớn. "Chúng ta phải thay đổi bản thân để thích nghi và tôi tin rằng đây cũng là lúc những cơ hội mới bắt đầu", ông tuyên bố tại một sự kiện diễn ra ở Thượng Hải cuối tuần qua.
Jack Ma nói năm 2019 có nhiều khó khăn nhưng cũng chỉ là mới bắt đầu. Ảnh: Bloomberg |
Trong bài phát biểu của mình, tỷ phú Jack Ma không đi sâu vào chi tiết nhưng hàm ý về tâm lý thận trọng trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, về triển vọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp, nợ nần và quan hệ của Trung Quốc với bên ngoài xấu đi.
Trong khi Trung Quốc dự kiến báo cáo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trên 6% cho năm 2019 thì một danh sách dài các chủ doanh nghiệp đang vật lộn để duy trì hoạt động trong một môi trường khó khăn, vì cạn vốn.
Họ bao gồm doanh nhân nổi tiếng Chiết Giang - Zhou Xiaoguang, người sáng lập hãng sản xuất đồ trang sức lớn nhất thế giới, NeoGlory. Công ty này đã nộp đơn xin phá sản trong năm nay.
Yin Mingshan, người thành lập Tập đoàn Lifan, được biết đến với cái tên "vua xe máy" cũng đang chìm trong nợ nần sau khi đổ tiền phát triển một loại phương tiện dùng năng lượng mới đầy tốn kém nhưng không tạo được doanh thu.
Hay như He Qiaonu, một doanh nhân gây chú ý hai năm trước khi tuyên bố quyên góp 1,5 tỷ USD để bảo tồn động vật hoang dã nay phải hầu tòa vì các khoản nợ.
Trong một bài phát biểu khác cũng vào tuần trước tại Vũ Hán (Hồ Bắc), Jack Ma cho biết mô hình thương mại truyền thống của thế giới đang nhường chỗ cho các quy tắc và chế độ mới. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Bắc Kinh và Washington có thể báo trước một kỷ nguyên mới cho thương mại quốc tế.
"Nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy thỏa thuận này. Nhưng đối với tôi, nó đánh dấu sự khởi đầu của thay đổi thực sự. Thỏa thuận này không phải để bảo tồn quá khứ mà là tạo ra tương lai", ông nói nó không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc và Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác như Brazil, Australia và Argentina.
Nhận xét về nền kinh tế Trung Quốc, tỷ phú thương mại điện tử cho rằng việc chuyển đổi từ một cường quốc xuất khẩu thành một lực lượng tiêu dùng hùng mạnh đang tạo ra cơ hội "trăm năm chỉ có một lần" cho các doanh nghiệp.
"Một số người có thể nói rằng Trung Quốc chỉ có 100 đến 200 triệu người tiêu dùng thực sự. Nhưng tôi thấy tiềm năng chi tiêu không chỉ ở nhóm thu nhập trung bình 300 triệu người mà là một tỷ người tiêu dùng", ông nói.