Tặng con cá, cần câu hay tiệm cá
Sinh ra tại Việt Nam, nhưng lớn lên ở Australia, sau hơn 20 năm, Jimmy Phạm đã quay lại Việt Nam thành lập Trường đào tạo nghề KOTO (know one teach one) theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Qua 18 năm hoạt động, KOTO đã trở thành mái nhà và là nơi chắp cánh ước mơ cho hơn 1.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên đất Việt.
Jimmy Phạm và các học viên tại KOTO |
Điều gì khiến một người lớn lên ở Australia lại về Việt Nam, thành lập nhà hàng KOTO và Trung tâm đào tạo KOTO?
Năm 1996, tôi trở về Việt Nam trong chuyến công tác cho một doanh nghiệp lữ hành nổi tiếng của Australia. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp những đứa trẻ lang thang đứng dưới tấm biển hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” rất to trên đường quốc lộ.
Hình ảnh ấy ám ảnh và thôi thúc tôi phải đưa ra lựa chọn: hoặc gửi tiền về Việt Nam giống như nhiều Việt kiều vẫn làm, hoặc hành động để thay đổi cuộc đời của chúng.
Bốn tháng sau, tôi quay lại Việt Nam, gặp những đứa trẻ đường phố ở quận I (TP.HCM), nghe chúng tâm sự nhiều hơn về cuộc sống. Suốt một thời gian dài, do kinh tế eo hẹp, tôi chỉ có thể mời bọn trẻ mấy bữa cơm hoặc mua cho chúng vài bộ quần áo mới.
Trong một lần gặp gỡ những đứa trẻ ở Hà Nội, chúng nói với tôi: “Anh giúp chúng em thế này vẫn chưa được. Chúng em cần một công việc để ổn định cuộc sống hơn”.
Suốt 3 năm đầu tiên, tôi đã học được ý nghĩa của việc cho người khác con cá để họ ăn ngày hôm nay không bằng chỉ cho họ cách câu cá để đảm bảo cuộc sống sau này. Tôi tạo cho các em công việc để kiếm sống, tương tự như dạy cho chúng cách câu được cá để ăn, nhưng điều đó liệu có đủ? Tôi muốn cho các em một nơi để ở, một gia đình và một tiệm cá để các em dạy cho nhiều người biết câu cá hơn.
Cuối cùng, tôi quyết định vay mượn để thành lập nhà hàng KOTO đầu tiên tại số 101 Xuân Diệu (Hà Nội). Tôi đã bắt đầu mô hình khá đơn giản và triển khai nó suốt 18 năm để trở thành một trung tâm đào tạo như hiện nay.
Trẻ em đường phố là đối tượng khá nhạy cảm. Làm thế nào để thuyết phục những đứa trẻ từ bỏ cuộc sống trước đây và tham gia vào lớp học?
Đầu tiên, tôi mời các em đến tham dự buổi lễ khai giảng, giới thiệu về hoạt động và những tấm gương trưởng thành từ khóa học. Sau đó, chúng tôi chỉ dạy những kiến thức căn bản để các em nhận thức được khả năng của bản thân. Cuối cùng, tôi về thăm nhà từng em, nói chuyện với người thân để họ khích lệ chúng quyết tâm thay đổi cuộc sống của chính mình.
Nhưng vấn đề là, một năm KOTO chỉ đào tạo được 200 học viên, nên không phải trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nào cũng được nhận, bởi vậy, chúng tôi sàng lọc rất kỹ càng.
Bốn tuần đầu, chúng tôi để các em ở cùng nhau và cho ăn rất nhiều mỳ gói. Kết thúc bốn tuần, một bức thư sẽ được gửi tới những em vượt qua thử thách với nội dung: “Xin chúc mừng, chúng tôi đã quay lại để thay đổi cuộc sống của các em!” Hầu hết những đứa trẻ đều bật khóc khi đọc dòng chữ này.
Các em sẽ được học những gì tại KOTO?
Trong khóa học kéo dài 2 năm, các em học viên sẽ được dạy nghề nấu ăn, pha chế và nghiệp vụ khách sạn.
Bên cạnh đó, KOTO chú trọng đào tạo tiếng Anh và những kỹ năng sống, từ quản lý cảm xúc, tài chính, giáo dục giới tính đến các hoạt động ngoại khóa để các em có thể trưởng thành hơn. Những kiến thức này không chỉ giúp các em kiếm được việc, hỗ trợ gia đình mà còn nhìn xa hơn về hướng đi trong tương lai.
Chúng tôi sẵn sàng cho những em có tiềm năng đi du học để quay lại giúp đỡ trung tâm dưới vai trò lãnh đạo, quản lý hay một nhà doanh nghiệp xã hội.
Lời khuyên của Jimmy Phạm:
Tôi nghĩ rằng, mình chưa thành công lắm đâu, khi nào bền vững thật sự thì tôi mới nói là tôi thành công. Từ kinh nghiệm của mình, tôi muốn khuyên các bạn 3 điều:
Thứ nhất, những bạn có ý tưởng tốt đang muốn hướng về xã hội thì nên bỏ tư duy chờ đợi tài trợ. Hãy đối xử với nó như một kế hoạch kinh doanh bình thường và tự đi tìm những người có thể giúp mình thực hiện được kế hoạch.
Thứ hai, kế hoạch của các bạn nên có sự phi lý và khác lạ so với mọi người. Nếu 10 người nói mình không nên làm và chỉ có một người nói nên làm thì hãy nghe theo người đó.
Thứ ba, chúng ta sẽ không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của cộng đồng và xã hội. Bởi vậy, hãy cố gắng cho đi thật nhiều.
Quãng đường 18 năm, KOTO đã đào tạo được hơn 1.000 học viên, rất nhiều em đã và đang làm việc tại những khách sạn 5 sao nổi tiếng trong nước và thế giới như Hilton Hanoi, Jaspas Saigon, Sheraton, Sofitel Metropole…
Triết lý hoạt động Know one, teach one (Biết một, dạy một) của KOTO được hiểu đơn giản là người đã biết dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết một chút dạy cho người chưa biết gì… Cứ như vậy, một cộng đồng KOTO luôn yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau được tạo ra.
Tôi tự hào là 62% những đứa trẻ mà chúng tôi giúp đỡ đã trở thành những nhà đào tạo và quản lý.
Ngành dịch vụ ăn uống thường có yêu cầu cao về nhân sự. Với 100% học viên là trẻ em đường phố chưa từng học hành đến nơi đến chốn, tại sao ông có niềm tin chắc chắn rằng, các em sẽ đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề khắc nghiệt này?
Tôi có thể đảm bảo đầu ra cho 100% học viên nhờ hợp tác với một trường đào tạo bên Australia. Kết thúc khóa học, các em sẽ trở thành những chuyên viên trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn theo tiêu chuẩn chứng nhận của Viện Box Hill (Australia).
Với chứng chỉ này, học viên có thể xin được việc làm ngay trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp ở Việt Nam và quốc tế.
Ngoài quá trình đào tạo bài bản, thì phản hồi của các đơn vị tuyển dụng về học viên của KOTO cũng rất khả quan. Những điều tôi thường được nghe, như “học sinh KOTO có thái độ và tiếng Anh tốt, kiến thức chuyên ngành khá vững…” khiến tôi vững tin hơn với những gì mình đang làm.
Thành công là lan tỏa tư tưởng nhân ái
Theo “quy trình” thông thường, các doanh nghiệp và doanh nhân khi “ăn nên làm ra” mới tính đến chuyện làm từ thiện. Nhưng Jimmy Nguyễn, mọi việc lại rất khác, đó là chọn phục vụ các hoạt động cộng đồng là mục tiêu, còn kinh doanh là công cụ để thực hiện.
18 năm lăn lộn cùng với KOTO và những đứa trẻ đường phố, có lúc nào ông muốn thay đổi không? Có thể là kinh doanh thật thành công, lợi nhuận thật nhiều rồi đi làm các công việc từ thiện?
Tôi nghĩ rằng, câu nghề chọn người hoàn toàn phù hợp với trường hợp mình. Khi mới về Việt Nam, tôi vô tình gặp trẻ em đường phố và giúp đỡ các em bằng tất cả tình yêu thương. Nhưng, tôi thực sự không nghĩ mình sẽ làm nó tới tận 18 năm. Đã có lúc cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc.
Nhưng 46 năm nay, tôi không nghĩ mình có thể tìm được công việc nào nhiều cảm xúc như KOTO mang đến.
Dù câu chuyện của tôi không quá đặc biệt, nhưng tôi muốn chứng minh rằng, trong kinh doanh, bạn không cần phải chờ đến khi thành công mới có thể đóng góp cho xã hội. Chỉ cần một hành động nhỏ giúp cho cuộc sống tốt lên tức là bạn đã làm từ thiện rồi.
Bởi vậy, tôi vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi nào không thể làm được nữa!
Theo đuổi mô hình này hẳn có nhiều khó khăn?
Lúc bạn xác định mình là người tiên phong làm điều gì đó, bạn bắt buộc phải chấp nhận đương đầu với khó khăn.
Nhưng, cuộc sống thú vị ở chỗ, nó sẽ bù đắp cho bạn những thứ khác tuyệt vời hơn, mà với tôi thì hạnh phúc của các em học viên là một ví dụ.
Khó khăn đầu tiên xuất phát từ việc chưa ai hiểu về mô hình doanh nghiệp xã hội thời điểm đó. Người ta hay nghi ngờ lắm, vì tôi ở nước ngoài về, lại là người làm kinh doanh, đối tượng giúp đỡ là trẻ em nên họ càng nghi ngại. Có lúc, tôi cảm thấy rất cô độc ngay trên chính hành trình của mình.
Khó khăn thứ hai đến từ đối tượng tôi giúp đỡ là trẻ em đường phố. Các em đều có hoàn cảnh tương đối nhạy cảm, nên cách tiếp cận và đối xử cũng cần đôi chút khác biệt.
Khó khăn thứ ba là nguồn tài chính. Như các bạn đã biết, chương trình đào tạo 2 năm từ A đến Z rất tốn kém. Nhiều người nói với tôi không cần lo ăn, ở, sinh hoạt vì đối tượng này chỉ cần học nghề là đủ. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì quan điểm của mình cho đến tận 18 năm sau.
Mỗi năm, chúng tôi phải huy động khoảng 45 tỷ đồng để duy trì các hoạt động. Số tiền lớn như vậy đến từ đâu? Ngoài các khoản tài trợ và kinh doanh, chúng tôi còn đi bán quần áo, hợp tác với một số thương hiệu để lấy phí quản lý hay tham dự các buổi diễn giảng để kiếm tiền.
Nếu được nói về những thành công trong 18 năm qua, ông tự hào về điều gì nhất?
Thú thực, đây là câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được. Theo quan điểm của tôi, định nghĩa thành công đơn giản là lan tỏa tư tưởng giúp đỡ người khác.
Nó bắt đầu từ việc một em học viên từng là osin và chưa bao giờ được nhìn thấy Lăng Bác. Sau khi tốt nghiệp KOTO, em đã có gia đình, công việc ổn định và chủ nhật hàng tuần đều đưa con đi thăm Lăng Bác.
Hay một học viên đánh giày trở thành chủ quán cà phê. Hoặc một em học viên nhận được học bổng thạc sĩ nước ngoài để phát triển sự nghiệp.
Nhìn những gì các em tôi đã làm được, tôi cảm thấy vô cùng tự hào.
Kế hoạch tới đây của ông và KOTO?
Tôi tham vọng lắm, tôi muốn có một sự lớn mạnh hơn nữa chứ không chỉ dừng ở 200 học viên như hiện nay.
Ngoài dạy nghề, tôi còn muốn mở rộng sang cả lĩnh vực nhà hàng – khách sạn và giúp đỡ học viên của mình mở thêm nhà hàng – khách sạn để phục vụ khách du lịch.
Điều này trước đây tôi chưa dám nghĩ đến, nhưng hiện giờ đã có thể vì nguồn nhân lực của chúng tôi tốt và thương hiệu tin tưởng được. Tôi nghĩ chúng tôi có vị trí khá ổn, chỉ cần tìm được đối tác tốt thì mọi thứ sẽ rất tuyệt vời.