Doanh nhân
Johnathan Hạnh Nguyễn: 'Tràng Tiền Plaza sống khoẻ'
Vũ Lê - 05/08/2014 08:08
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ đợt tái cấu trúc Tràng Tiền Plaza để phù hợp với xu thế tiêu dùng năng động tại Việt Nam và việc kinh doanh tại đây vẫn tốt.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
CEO Lê Hồng Thủy Tiên: Quý bà quyền lực
Trung tâm thương mại dịp Tết vắng như "chùa bà đanh"
Cuộc tranh hùng giữa các ông trùm hàng hiệu
"Tôi không phải tỷ phú bong bóng"
Ohnathan Hạnh Nguyễn: 'Tràng Tiền không phải canh bạc'

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Ảnh: Vũ Lê

Chỉ hơn một năm sau khi được đầu tư 400 tỷ đồng cải tạo, tại sao Tràng Tiền Plaza lại tung ra chương trình giảm giá quy mô lớn và tiến hành tái cấu trúc lần nữa?

Chương trình khuyến mãi lớn cuối mùa hè của các nhãn hàng quốc tế không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Vào thời điểm cuối tháng 7, các thương hiệu trung cấp đều đồng loạt khuyến mãi giảm hàng tồn kho mùa Xuân Hè, sau đó sẽ có nhiều hàng mới về để bắt đầu cho hàng “new arrival” bán nguyên giá mùa Thu Đông.

Tôi không cho rằng việc quy hoạch và tái cấu trúc Trung tâm Thương mại Tràng Tiền lần này là quá sớm. Với 25 năm kinh nghiệm kinh doanh hàng hiệu, tôi đã lường trước kịch bản này. Một trung tâm thương mại cao cấp không thể đi sau xu thế của thời cuộc, quy luật chung là phải luôn luôn thay đổi để đem lại sự mới mẻ đa dạng hàng hóa, thương hiệu cho “thượng đế” khi mua sắm.

Nếu làm một cuộc khảo sát nhanh ở các trung tâm thương mại tại hai đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội sẽ dễ dàng nhận ra không có khu mua sắm cao cấp nào chịu giẫm chân tại chỗ. Đợt quy hoạch lại mặt bằng lần này của Tràng Tiền đã được lên kế hoạch từ trước và đi theo dòng chảy đó.

Vậy Tràng Tiền PLaza sẽ có gì mới sau đợt tái cấu trúc này thưa ông?

Chúng tôi sẽ đổi mới việc bố trí quy hoạch mặt bằng ở Tràng Tiền thời gian từ ngày 4/8 đến tháng 11/2014 ở các tầng 3, 4, 6 và một phần của tầng 5 (chiếm tỷ lệ 70% diện tích trung tâm thương mại này). Sẽ thay nhiều trang thiết bị vận chuyển hiện đại hơn, thiết kế trang trí thêm nội thất ở một số khu vực cho phù hợp với các thương hiệu và từng nhóm ngành hàng. Dĩ nhiên, cũng sẽ có một số nhãn hàng, thương hiệu không phù hợp phải dời đi để nhường chỗ cho các tên tuổi mới.

Thực tế, ngoại trừ những thương hiệu đã cam kết vào Tràng Tiền dài hạn, vẫn có một số nhãn hàng kinh doanh ngắn hạn và khi đã xác định mô hình kinh doanh không phù hợp với Tràng Tiền thì việc phải thay đổi là bình thường. Các thương hiệu cần vị thế của Tràng Tiền và ngược lại chúng tôi cũng cần sự hiện diện của các nhãn hàng đẳng cấp ở nhiều phân khúc khác nhau.   

Vậy ông kỳ vọng gì vào đợt tái cấu trúc này?

Tôi tin rằng sau tái cấu trúc Tràng Tiền sẽ hiện đại hơn, mở rộng nhiều phân khúc kinh doanh để phù hợp với xu thế tiêu dùng của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Không chỉ thay các trang thiết bị mới, trang trí đẹp hơn, Tràng Tiền còn được quy hoạch lại, bố trí các gian hàng nhằm tạo điều kiện cho những thương hiệu cao cấp và trung cấp nổi tiếng trên thế giới có cơ hội hiện diện và kinh doanh tại đây và tất nhiên diện tích khai thác kinh doanh của Tràng Tiền cũng được tăng thêm và hiệu quả hơn về mặt doanh thu.

Đợt quy hoạch mặt bằng năm đầu tiên lần này có hơi lâu một chút (khoảng hơn 3 tháng) tạm ngưng kinh doanh từ tầng 3 trở lên, nhưng từ năm thứ 2 mỗi đợt quy hoạch mặt bằng sẽ diễn ra ngắn ngày và sẽ được chia nhỏ làm theo từng khu vực.

Một năm qua có rất nhiều lời ra tiếng vào về việc Tràng Tiền vắng khách, vậy tình hình kinh doanh của Tràng Tiền trong thời gian qua ra sao?

Trung bình ngày thường có 3.000-4.000 người ra vào Tràng Tiền và ngày lễ, chủ nhật từ 5.000 đến 6.000 người. Tôi cho rằng số lượng này là ổn trong tình hình khó khăn vừa qua và số khách đến Tràng Tiền để mua sắm đạt tỷ lệ khá cao.

Câu chuyện của Tràng Tiền không phải là vắng hay đông khách. Từ lúc khai trương năm 2013 đến nay, việc kinh doanh của Tràng Tiền chia làm 2 phần. Phần thứ nhất là cho thuê mặt bằng, khoản này đã có 123 gian hàng, trong đó có 40 thương hiệu lớn đảm bảo doanh thu tối thiểu cho việc thuê mặt bằng. Phí thuê mặt bằng tại Tràng Tiền vào loại top đầu của trung tâm thương mại cao cấp trên thị trường. Thêm vào đó, các thương hiệu lớn còn cam kết thuê lâu dài. Tràng Tiền chỉ có 18.000 m2 sàn trong khi nhu cầu thực luôn rất lớn, lên đến 60.000 m2 nên chúng tôi không có nhiều mặt bằng trống. Riêng công ty chúng tôi chỉ mới đưa được 20 trên tổng số 48 thương hiệu mà Tập đoàn IPP có mối quan hệ lâu năm vào Tràng Tiền. Ngoài ra cũng có nhiều nhãn hàng cũ từng kinh doanh từ trước tiếp tục ở lại. Như vậy, Tràng Tiền vẫn tiếp tục “sống khỏe” với doanh thu cho thuê mặt bằng cao hơn trước kia.

Phần thứ hai là việc kinh doanh của các thương hiệu tại đây phải xét đến 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là các thương hiệu hàng đầu, có thể xem họ là những đại gia có tiềm lực, có khách hàng riêng khá ổn định tại Việt Nam. Mặc dù hiện nay tốc độ tăng trưởng tuy chậm lại nhưng vẫn đạt mức kỳ vọng. Nhóm thứ hai là nhóm hàng trung cấp. Phân khúc này quả thật có chịu ảnh hưởng trong quý II/2014 vừa qua, nhưng từ quý III trở đi bắt đầu có xu hướng tăng trở lại. Nhóm trung cấp sẽ có sự điều chỉnh nhẹ trong đợt tái bố trí mặt bằng lần này nhưng không nhiều. Nhóm thứ ba là các nhãn hàng kinh doanh không phù hợp tại Tràng Tiền, họ có gặp rất nhiều khó khăn và họ hiểu được cần phải điều chỉnh thương hiệu và ngành hàng để kinh doanh phù hợp, hiệu quả hơn.

Cụ thể là ở lần tái cấu trúc này: 70% gian hàng tiếp tục đề nghị ở lại, 5% xin rút ra, 25% đồng ý ở lại và giảm diện tích mặt bằng hoặc chấp nhận di dời để chúng tôi có thể đưa thêm hơn 30 thương hiệu mới vào Tràng Tiền.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam hiện nay?

Tốc độ tăng trưởng của hàng hiệu cao và trung cấp tại Việt Nam đang chậm lại dù thương hiệu vẫn có lãi. Nguyên nhân là do khách nội địa chững lại. Tuy nhiên thị trường hàng hiệu may mắn bù đắp được nhờ khách du lịch đến Việt Nam và nếu tham gia vào chương trình hoàn thuế cho du khách của Bộ Tài chính, doanh thu cũng sẽ bù đắp phần nào.

Xét về lâu dài, tôi tin rằng hàng hiệu vẫn có chỗ đứng của nó, đặc biệt trong bối cảnh tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Việc Việt Nam tiến hành đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng tạo thêm sức hấp dẫn khiến các thương hiệu đổ về Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới. Đây là sự tranh thủ khôn ngoan vì chỉ có những thương hiệu nhanh chân đến trước mới nắm được ưu thế về thị phần, cũng như am hiểu xu hướng tiêu dùng nội địa để thích ứng nhanh hơn.

Hàng hiệu là nhóm sản phẩm độc đáo, giá trị cao và có vị thế riêng trong lòng người tiêu dùng. Nó cũng có nhiều phân khúc đáp ứng các loại nhu cầu khác nhau. Vì thế, cũng không thể cào bằng hàng hiệu cao cấp phải nhiều người mua như hàng hiệu trung cấp và hàng hiệu trung cấp phải có nhiều người mua như đi siêu thị hàng ngày. Xu thế sắp tới, nhóm hàng hiệu trung cấp có thể gia tăng mạnh về số lượng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Do đó, quan điểm của kinh doanh của tôi là đầu tư lâu dài, tạo uy tín tốt, hàng hóa đúng chuẩn, đạt chất lượng cao, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thì người tiêu dùng thông minh, sành điệu sẽ không quay lưng với hàng hiệu.

Khai trương 1 năm, Tràng Tiền Plaza lại đóng cửa 4 tháng

Sau hơn 1 năm khai trương, Tràng Tiền Plaza quyết định đóng cửa 4 tháng để quy hoạch lại mặt bằng các gian hàng.

Tin liên quan
Tin khác