Quyết thoát lỗ từ năm 2017
Năm 2015, câu chuyện liên quan đến cổ phiếu của JVC được coi là một trong những “cú sốc” lớn nhất trên thị trường chứng khoán năm 2015. Tháng 6/2015, ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc JVC đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam. Trước đó, thị trường đã có những tin đồn liên quan đến việc ông Hướng bị bắt, nhưng công ty này công bố thông tin khá muộn. Tính đến hết năm 2015, giá cổ phiếu của JVC giảm tới 73% giá trị. Đến nay, câu chuyện năm 2015 của JVC được coi là một tấm gương xấu điển hình cho sự kém minh bạch trong quản trị và công bố thông tin.
Ý tưởng tách công ty của JVC vẫn đang được Hội đồng Quản trị cân nhắc, tính toán. |
Từ giữa năm 2016, một nhóm cổ đông mới đã tiếp quản JVC và thực hiện các giải pháp cải tổ tại doanh nghiệp này. Ông Ngô Thanh Sơn, Tổng giám đốc hiện tại của JVC cho biết, cách đây 1 năm, khi ông và các đồng sự tiếp nhận công tác quản lý tại JVC là thời kỳ đỉnh cao của khủng hoảng. Đối tác cắt quan hệ với Công ty, ngân hàng cắt tín dụng, tâm lý người lao động rất hoang mang…
Trong nửa cuối năm 2016, Hội đồng Quản trị mới của JVC đã đưa ra một số giải pháp ổn định lại Công ty. Trong giai đoạn này, mảng kinh doanh thiết bị giảm sút, nhưng JVC đẩy mạnh bán hàng các mảng kinh doanh hàng vật tư tiêu hao, kinh doanh liên kết, dịch vụ phòng khám và kỹ thuật. Theo đó, doanh thu thuần năm 2016 chỉ giảm nhẹ 1,56% so với năm 2015. Mức thua lỗ năm 2016 của JVC chỉ còn 31,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lỗ khủng 1.366 tỷ đồng trong năm 2015. Sau khi chặn được đà thua lỗ từ năm 2016, năm 2017, JVC đưa ra mục tiêu quyết thoát khỏi thua lỗ với dự kiến đạt 19 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tính phương án tách công ty
Hiện tại, đường hướng kinh doanh của JVC cũng đã tương đối rõ nét hơn. Ông Ngô Thanh Sơn cho biết, trước kia, Công ty kinh doanh theo phương thức đại trà, nay định hướng vào các sản phẩm chất lượng cao. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh phân phối để tiếp cận thị trường sát hơn”, ông Sơn nói.
Theo chia sẻ của lãnh đạo JVC, một số đối tác lớn đã quay trở lại hợp tác với Công ty. Hitachi đã trở lại chọn JVC làm nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của họ tại Việt Nam. Tương tự, Hãng Fujifilm từ khi JVC gặp khủng hoảng đã tự ra ngoài tìm các đối tác phân phối khác, nhưng giờ cũng quay lại hợp tác và chọn JVC là nhà phân phối độc quyền tại khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, đoạn đường phía trước với JVC còn rất gập ghềnh. Sau giai đoạn khủng hoảng, vốn chủ sở hữu của công ty này đã bốc hơi quá nửa. Vốn góp ban đầu là 1.125 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2016 chỉ còn 524,7 tỷ đồng, lỗ lũy kế hiện ở mức hơn 600 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Công ty chỉ được chia cổ tức khi đã bù đắp được hết lỗ lũy kế. Như vậy, JVC sẽ phải chờ “cày” cho đủ 600 tỷ đồng bù lỗ mới được chia cổ tức. Đây sẽ là một thử thách lớn với các cổ đông.
Ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị JVC cho biết, để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Công ty đã nghĩ đến phương án tách thành 2 công ty. Theo đó, tất cả những bộ phận đang hoạt động hiệu quả sẽ tách ra thành công ty hoàn toàn khỏe mạnh, khi đó chỉ cần 1 năm có lãi là có thể chia cổ tức cho cổ đông. Phần còn lại dồn vào công ty thứ hai và việc chính của công ty này chỉ là giải quyết hậu quả từ quá khứ để lại, chờ đến thời điểm thích hợp có thể cho giải thể, phá sản.
Đây được xem là một ý tướng khá táo bạo, song theo ông Huy, ý tưởng này vẫn còn đang được Hội đồng Quản trị cân nhắc, tính toán. Do đó, việc tái cơ cấu tại JVC có thể có 2 kịch bản: kịch bản thứ nhất là thực hiện cải tổ dần dần từng bước như cách làm thông thường và kịch bản thứ hai là chia tách công ty.