Mytel đã thay đổi người Myanmar
Một ngày sau khi mạng Mytel khai trương tại Myanmar, tại ngôi làng cách thủ phủ Mon, Myanmar khoảng 30 km, Zau Min Do và Thet Hinm Wei trong bộ đồng phục da cam sáng chói bắt đầu một công việc mà trước đây họ chưa từng làm: Gõ cửa từng nhà, giới thiệu dịch vụ và bán hàng ("door to door" - bán hàng tận nhà).
Chị chủ nhà Muram tỏ ra rất ngạc nhiên bởi đây là lần đầu tiên trong đời chị, một dịch vụ được nhân viên đến tận nhà giới thiệu. Sau khi nghe Zau Min Do và Thet Hinm Wei giới thiệu về các gói cước, các ưu đãi của Mytel, chị Muram đã không ngần ngừ mua ngay 3 chiếc sim lắp thêm vào 3 chiếc smartphone của gia đình và tiến hành gọi thử cuộc gọi video call với chồng mình.
Nhân viên của Mytel đã thực sự hào hứng khi tiếp cận những cách thức kinh doanh mới của Mytel. Ảnh: Hữu Tuấn |
Bằng hình thức mới lạ này, nhóm 5 người của Zau Min Do và Thet Hinm Wei mỗi ngày bán được khoảng 100 sim Mytel mới, mang lại doanh thu cho họ khoảng hơn 21.000 Kyats/ngày/người (tương đương 375.000 đồng). Đây là mức thu nhập khá cao tại Myanmar.
Nhưng điều khiến cho hàng ngàn nhân viên, cộng tác viên của Mytel thực sự hào hứng không phải chỉ là thu nhập cao, mà điều họ nhận được là tiếp cận những cách thức kinh doanh mới của Mytel, từ các “ngón nghề” makerting đến hình thức bán hàng mới mẻ, khác biệt như "door to door".
Niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng đã khiến sếp của họ, Trưởng nhóm kinh doanh chi nhánh bang Mon, anh Min Thu Ko Thet, người có 19 năm kinh nghiệm, từng làm việc cho Ooredoo (hãng viễn thông của Quata), chấp nhận rời bỏ thủ phủ Yangon nhộn nhịp để về làm việc tại Mon, cách Yangon gần 300 km. Ở đây, anh chàng suốt ngày nhai trầu bỏm bẻm này được Mytel “trao quyền tự quyết” khá lớn và được giao quản lý vùng 3 trung tâm 6 huyện của Mytel ở bang Mon. Min Thu Ko Thet được thoả sức sáng tạo, đề xuất các ý tưởng và thực hiện mà không bị hạn chế, miễn là có hiệu quả.
“Bạn sẽ cảm thấy vô cùng hào hứng khi được tôn trọng và tin tưởng. Ở Mytel, tôi được trao một nhiệm vụ và được toàn quyền quyết định quá trình thực hiện nhiệm vụ đó và chịu trách nhiệm trước Giám đốc. Đó là thách thức, nhưng cũng là sự thú vị và hạnh phúc khi vượt qua thử thách đó”, anh chia sẻ.
Mytel thực sự đã thay đổi suy nghĩ, tác phong của người Myanmar. Người dân đất nước này phần lớn theo đạo Phật nên rất hiền lành và nhịp sống khá yên bình. Mỗi ngày họ chỉ làm việc từ 9h sáng đến 4h30 chiều. Nhưng khi người Viettel đến đã thay đổi tất cả. Họ dần quen với việc người Viettel làm việc từ 8h sáng đến 22h đêm và dần dần nhập vào guồng quay đó tự lúc nào. Họ vốn quen với việc “mỗi người chỉ làm một việc”, nhưng sau một thời gian làm với nhân viên Viettel đã trở thành những nhân viên lành nghề. Ngay như một nhân viên lái xe của văn phòng Mon cũng có thể xuống xe hàn cáp quang, sửa máy, bán hàng một cách thiện nghệ.
“Những người Viettel tới đây đã làm thay đổi một cách tích cực cuộc sống của nhiều người Myanmar. Chúng tôi trở nên năng động, sáng tạo hơn. Thực sự thì đúng như slogan của Mytel “Empower me”, Mytel đã “Tiếp thêm sức mạnh cho tôi” và cho rất nhiều người Myanmar thay đổi vì đất nước”, Kaung Myat Kyaw tâm sự.
Ông Thái Lương Hoà, Giám đốc chi nhánh Sagaing cho biết, điều thu hút nhiều nhân sự chất lượng cao về “đầu quân” cho Mytel không phải là mức lương, hay thu nhập mà họ tin tưởng vào tương lai của Mytel, tin vào cách làm, triết lý của Viettel trong việc đầu tư và phát triển tại Myanmar là “Empower me, empower Myanmar”.
Nhà mạng “vì người dân Myanmar”!
Tại thị trường, Mytel là “người đến sau” khoảng 4 năm so với Telenor (Nauy) và Ooredoo, nhưng là nhà mạng được lòng người Myanmar nhất.
Trước khi Mytel có mặt, người dân làng chài hẻo lánh Zee Phyu Thaung, cách thủ phủ bang Mon 150 km, chỉ được sử dụng các cuộc gọi trên mạng 2G của các nhà mạng khác với giá đắt đỏ và thường xuyên bị mất sóng. Nhưng giờ đây, họ có thể gọi các cuộc thoại trên biển, nơi mà những nhà mạng khác như MPT hay Telenor không có sóng. Còn người dân ở đảo Chaungzone đã thoải mái gọi video call qua mạng 4G cho người mua hàng ở khoảng cách hàng trăm, hàng ngàn km để bán nông sản, mà không phải cất công xuống tận nơi xem, mua hàng.
Trước khi Mytel hiện diện, ở làng Thadon (thuộc Mon), người dân dù có smartphone, nhưng muốn truy cập Internet, vào facebook, xem Youtube phải chạy xe vào thị trấn Thaton cách đó khoảng 10 km. Lý do là ở Thadon, sóng 2G tốt, nhưng 3G rất chập chờn và chưa có 4G.
Tôi tin tưởng Mytel sẽ góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực viễn thông cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước Myanmar. Chúng tôi cũng sẽ được hưởng lợi trong vấn đề chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm khi hợp tác với một đối tác quốc tế như Viettel Group”, Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar.
Khi Mytel đến, cộng đồng khoảng 6 triệu người dân tộc Shan ở Myanmar đã mở kênh hỗ trợ khách hàng qua video call, giải đáp thắc mắc bằng tiếng dân tộc Shan (ngôn ngữ bản địa của người Shan tại Myanmar với khoảng 6 triệu dân, các mạng khác chỉ có tiếng Myanmar và tiếng Anh). Mytel cũng là nhà mạng duy nhất tại Myanmar làm được điều đó.
Nhờ mạng cáp quang tốc độ cao, mà giờ đây, người nông dân vùng cao nguyên Pyin Oo Lwin, thuộc tỉnh Mandalay đã áp dụng Nextfarm của Viettel vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Họ đã giảm được ½ nhân công, tăng 50% năng suất nhờ công nghệ mới này.
Ông Thein Htike, chủ một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng ở Myanmar đánh giá, Mytel đã làm được điều mà các nhà mạng khác không làm được là phủ sóng rộng lớn tới 90% dân số của Myanmar, tạo ra một hệ thống cáp quang trải khắp đất nước. Người dân Myamar trên khắp đất nước đều sử dụng được 4G với giá rẻ hơn rất nhiều so với trước đây.
“Không chỉ tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, Mytel của đối tác Viettel đang tạo ra hạ tầng công nghệ rộng lớn giúp Myanmar phát triển Internet giao thông, y tế, nông nghiệp, tài chính mạnh mẽ trong tương lai”, ông Thein Htike đánh giá.
Tương lai tươi sáng
Mọi chuyện sẽ chưa dừng lại ở đây. Mytel đang nỗ lực làm nên những kỳ tích mới cho Myanmar.
Không lâu nữa thôi, giấc mơ của Kyaw Sann Win, bộ phận Phụ trách Quản lý và Vận hành Bệnh viện Kan Thar Yar (Yangon) về việc phẫu thuật trực tuyến sẽ thành hiện thực. Lúc đó, các bác sĩ trên khắp thế giới sẽ không còn mất thời gian di chuyển tới Yangon, các bệnh nhân không còn phải chờ đợi trong sự lo lắng giữa sự sống và cái chết, chỉ cần một màn hình lớn, một cánh tay robot và bằng đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao ổn định của Mytel là giấc mơ đó sẽ thành hiện thực.
Viettel Global (Tập đoàn Viettel) với 2 đối tác địa phương là Star High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public (MNTH).
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm tới 66% vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar. Với dự án này, Viettel trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 của khu vực ASEAN đầu tư vào Myanmar.
Có lẽ cũng chỉ vài tháng nữa, cậu sinh viên Zua Ley Ng của Trường Đại học Công nghệ Monywa (Sagaing) sẽ không phải mất tới 10 USD/tháng truy cập Internet phục vụ học tập và giải trí. Còn TS. Dr Min Zaw Aung, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Mawlamyaing sẽ không phải đau đầu trả hàng tháng khoảng tiền xấp xỉ 8,5 triệu đồng cho một đường truyền Internet 10 MB, nhưng chỉ cung cấp tới khu vực văn phòng Trường. Tới đây, rất có thể, hơn 20.000 sinh viên trường này sẽ được sử dụng Internet cáp quang tốc độ cao, wifi miễn phí với giá rẻ “như trong mơ”.
Cùng với đó, sắp tới Mytel sẽ đưa Internet băng rộng miễn phí tới 1.535 trường học trên khắp lãnh thổ Myanmar theo dự án cộng đồng mà Mytel cam kết với Chính phủ Myanmar.
Trên hạ tầng di động 2G, 4G với khoảng 7.000 trạm BTS và mạng Internet cáp quang phủ khắp đất nước với 30.000 km cáp quang, Mytel đã và đang chủ động cung cấp đa dạng các dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ giải pháp nhằm góp phần xây dựng một xã hội phát triên thông minh hơn, như giải pháp nông nghiệp thông minh, hệ thống quản lý tín hiệu đèn giao thông smartlight, ví điện tử, thiết bị giám sát hành trình...
Mytel đã xác định cho mình sứ mệnh không chỉ tạo ra một “siêu xa lộ di động” giúp người dân ở đất nước chùa vàng kết nối, mà còn góp phần thúc đẩy việc phát triển các giải pháp tạo ra một xã hội thông minh, với các ứng dụng 4.0.
Vĩ thanh
Trong phòng khách của chi nhánh Văn phòng Mytel ở Mon treo trang trọng 3 tấm hình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Lãnh tụ Aung San, người cha đáng kính của bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar. Không chỉ mọi nhân viên ở đây, mà những người Myanmar khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam đều rất niềm nở giơ ngón tay cái hào hứng: “Việt Nam - Hồ Chí Minh!”.
Người Myanmar tự tôn và tôn trọng quá khứ. Những thế hệ lớn tuổi đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam giống như Lãnh tụ Aung San của Myanmar.
Những năm Myanmar bắt đầu mở cửa, ấn tượng tốt đẹp về Myanmar còn là các sản phẩm đến từ Việt Nam, đó là vị thơm ngon của cà phê Trung Nguyên hay Lioa, bộ ổn áp chất lượng cho tình trạng thiếu điện triền miên tại Myanmar.
Hơn 1.000 người Viettel ở Myanmar đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để cái tên Mytel trở nên phổ biến hơn, và đẹp đẽ như chính những gì người Myanmar đang nghĩ về người Việt Nam, để cái tên Viettel sẽ tiếp nối Trung Nguyên, Lioa trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân Myanmar. Người Viettel đang xây dựng không chỉ là một mạng viễn thông rộng khắp Myanmar mà họ đang xây dựng một chiếc cầu hữu nghị, hợp tác, phát triển nối liền hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam - Myanmar.