Thời sự
Kế hoạch 5 năm cần tính đến kịch bản sống chung với Covid-19
Nguyễn Lê - 25/07/2021 10:58
Theo đại biểu Quốc hội, cần có 2 kịch bản phát triển, gồm kịch bản khi an toàn và kịch bản sống chung với Covid-19 trong kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025
Sau khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội sẽ thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm ngay trong kỳ họp này.

Theo một số đại biểu Quốc hội, cần có 2 kịch bản phát triển, gồm kịch bản khi an toàn và kịch bản sống chung với Covid-19 trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch này đã được Quốc hội hội thảo luận tại tổ vào chiều 22/7 trước khi được thảo luận tại phiên toàn thể ngày 25/7.

193 đại biểu Quốc hội đã góp ý

Tổng hợp 193 ý kiến đại biểu ở 20 tổ thảo luận, báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết có 106 ý kiến thống nhất với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cho rằng các báo cáo được chuẩn bị từ sớm, công phu, nghiêm túc, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về kết quả đạt được trong 5 năm 2016-2020 cũng như các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phù hợp, khả thi về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Nhiều đại biểu nhận xét, giai đoạn 2016-2019 đạt kết quả rất ấn tượng, nếu không chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 thì đã có thể hoàn thành thắng lợi toàn diện kế hoạch 5 năm. Mặc dù vậy, kết quả đạt được của riêng năm 2020 vẫn tốt hơn so với nhiều nước trên thế giới, là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, các vị đại biểu cũng chỉ ra không ít hạn chế của giai đoạn này. Đó là nội lực của nền kinh tế chưa cao, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn hạn chế, doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được lợi thế, chưa liên kết sâu được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm, ngân sách chi thường xuyên giảm chưa nhiều, chi cho đầu tư phát triển chưa đạt,  nợ công có xu hướng tăng cũng là những vấn đề đại biểu lo ngại.

Một số vị đại biểu chỉ ra rằng, các ngân hàng thương mại đều huy động vốn ngắn hạn, nhưng lại cho vay trung và dài hạn, nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của hệ thống, có thời điểm dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản, chứng khoán.

Việc triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian đầu còn lúng túng; chưa phát huy vai trò chủ đạo của đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, số dự án đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhà nước còn ít cũng là hạn chế được Tổng thư ký Quốc hội phản ánh.

Cân nhắc thêm chỉ tiêu tăng trưởng 

Về dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, nhiều đại biểu nhận định tác động của dịch là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nước ta, sẽ phải mất nhiều thời gian để khắc phục.

Trong bối cảnh chính sách của nhiều nước có nguy cơ dẫn tới rủi ro bong bóng tài sản, gia tăng áp lực lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu dự báo chính xác về tình hình trong nước, khu vực, thế giới, làm cơ sở để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho giai đoạn tới.

Đây là giai đoạn đầu tiên trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nên cần được chú trọng. Cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó trong điều kiện diễn biến dịch bệnh phức tạp và dự báo khả năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau khi dịch kết thúc, đại biểu nêu quan điểm.

Cụ thể hơn, một số vị đại biểu góp ý cần có 2 kịch bản phát triển, gồm kịch bản khi an toàn và kịch bản sống chung với dịch Covid-19, chuẩn bị phương án (tự cung, tự cấp, tự sản xuất, cải tiến hệ thống phân phối)... cho tình huống xấu, đứt gãy chuỗi cung ứng, hoặc cùng lúc xảy ra thiên tai, lũ lụt.

Có đại biểu khuyến nghị xem xét, tham khảo khung giải quyết khẩn cấp ứng phó tình trạng Covid-19 của Liên hợp quốc với giải pháp theo 5 trụ cột chính: bảo vệ y tế; bảo vệ người dân; ứng phó phục hồi kinh tế, trong đó tập trung bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nhân trong khu công nghiệp, người lao động trong khu vực chính thức; ứng phó kinh tế vĩ mô, sự hợp tác đa phương; giải quyết các mối quan hệ xã hội, giảm bất bình đẳng xã hội.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, có 4 đại biểu cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7% cần được cân nhắc thêm trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tránh tạo áp lực cho Chính phủ.

Làm rõ thêm nhiều giải pháp cho kế hoạch, một số đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về kế hoạch 5 năm 2021-2025 nội dung “Phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước thành hai trụ cột của nền kinh tế”, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn vốn và được đối xử công bằng với các doanh nghiệp.

Sau khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội sẽ thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm vào cuối kỳ họp này. 

Tin liên quan
Tin khác