Chính phủ yêu cầu thí điểm cổ phần hóa các Genco từ năm 2015 và EVN đã chuẩn bị ra sao, thưa ông?
Ba Genco của EVN bắt đầu hoạt động từ năm 2013, thuộc nhóm doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối. Tháng 8/2014, Bộ Công thương đã phê duyệt chủ trương cổ phần hóa Genco 3. Thời điểm chốt giá trị DN là ngày 1/1/2015. Mục tiêu là tiến hành cổ phần và đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Genco 3 vào tháng 3/2016, sau đó thực hiện đại hội cổ đông lần đầu vào tháng 5/2016.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) |
Lộ trình cổ phần hóa của EVN đã được Chính phủ thông qua, theo đó sẽ thực hiện thí điểm cổ phần hóa một Genco và sau đó triển khai tiếp 2 Genco còn lại. Các Genco, sau khi cổ phần hóa, sẽ được tách ra, hoạt động độc lập với EVN.
EVN đã rà soát, đánh giá cả 3 Genco và chọn Genco 3 là đơn vị thí điểm cổ phần hóa nhằm thực hiện chủ trương nói trên.
Quản lý khoảng 7.000 MW công suất nguồn điện, nên tài sản của các Genco rất lớn và đây có thể chính là điểm bất lợi trong quá trình cổ phần hóa các đơn vị này?
So với các DN nhà nước khác đã tiến hành cổ phần hóa gần đây, thì vốn của các Genco lớn hơn rất nhiều. Tài sản mà Genco 3 đang quản lý khoảng 80.000 tỷ đồng, vốn nhà nước tại DN gần 13.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn trầm lắng, việc đưa các DN có vốn lớn ra IPO sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Chúng tôi đã thảo luận việc bán cổ phần Genco với một số nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư dự án điện BOT tại Việt Nam, nhưng họ không mặn mà với việc tham gia mua cổ phần của một công ty mẹ có quy mô lớn như Genco. Nếu mua cổ phần từng nhà máy, thì khả năng tham gia của các nhà đầu tư ngoại sẽ cao hơn, bởi thông tin đầy đủ và sẽ ít rủi ro hơn.
Nhưng một số nhà đầu tư tư nhân trong nước đang nâng tỷ lệ nắm giữ tại các nhà máy điện của EVN đã được cổ phần hóa. Phải có lợi họ mới mua, thưa ông?
Về lâu dài, đầu tư vào các nhà máy điện không phải là không hấp dẫn, đặc biệt khi giá điện đang trong quá trình điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Các nhà máy điện thuộc nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng và các nhà đầu tư quan tâm tới xu hướng đầu tư dài hạn 10 - 15 năm. Nhà máy điện dù lợi nhuận có thể không cao như một số lĩnh vực khác, nhưng xét về lâu dài thì ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, EVN sẽ không tiến hành cổ phần hóa từng nhà máy điện như đã từng làm, bởi điều này dẫn tới tình huống nhà máy tốt, thuận lợi sẽ bán được nhanh, trong khi nhà máy có điều kiện khó khăn hơn sẽ không có người mua và Nhà nước lại phải gánh.
Khi thành lập các Genco, Bộ Công thương cũng đã tính toán, cân nhắc để các Genco có năng lực tương đối đều nhau, có cả nhà máy thuận lợi lẫn chưa thuận lợi và việc cổ phần hóa sẽ được thực hiện với cả Genco, thay vì từng nhà máy như trước.
Giá điện chưa theo nguyên tắc thị trường có là rào cản đối với cổ phần hóa các Genco không, thưa ông?
Trong khi giá điện chưa thật sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, thì Chính phủ ưu tiên giải quyết giá điện cho các nhà máy phát điện trước, còn giá truyền tải điện và phân phối điện sẽ từng bước điều chỉnh sau. Hiện nay, hợp đồng mua bán điện giữa EVN với các nhà máy điện đang được đàm phán, ký kết theo hướng dẫn tại Thông tư 41/2010/TT-BCT của Bộ Công thương (quy định phương pháp xác định giá phát điện; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành khung giá phát điện và phê duyệt hợp đồng mua bán điện). Giá mua điện trong hợp đồng đã đảm bảo có lãi cho các nhà máy điện, nhưng có thể chưa thật hấp dẫn nhà đầu tư. Hiện tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tại các DN sản xuất điện của Nhà nước mới mức 10%, còn với tư nhân là 13%.
Những năm gần đây, EVN đã đầu tư nhiều dự án điện trong tình trạng vốn tự có không nhiều. Vì vậy, các Genco gặp phải tình huống chỉ tiêu vốn chủ sở hữu/vốn vay không đáp ứng được yêu cầu của bên cho vay và phải có sự trợ giúp của EVN. Ngoài ra, do khó khăn chung về tài chính của EVN, nên nhiều nhà máy của EVN có giá điện thấp hơn so với quy định tại Thông tư 41/2010/TT-BCT.
Thực tế trên khiến Genco không hấp dẫn các nhà đầu tư như nhiều DN ở các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, EVN vẫn đang tích cực triển khai để có thể IPO Genco 3 đúng kế hoạch vào tháng 3/2016.
Nhà đầu tư có thể nghĩ đơn giản rằng, “phát điện lúc này không hiệu quả bằng lúc khác”. Phải làm gì khi các nhà máy điện dù cổ phần hoá, nhưng vẫn liên quan mật thiết tới an ninh năng lượng đất nước, thưa ông?
Một trong các tiêu chí đánh giá cổ phần hóa thành công là việc có nhiều nhà đầu tư tham gia và mua hết cổ phiếu được đưa ra IPO. Tuy nhiên, điều không kém phần quan trọng là, cổ phần hoá sẽ giúp các công ty chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn trong hoạt động. Đối với các Genco, ngoài 2 yếu tố trên, việc cổ phần hoá còn phải làm sao để đảm bảo cho các nhà máy điện hoạt động bình thường, vì điều đó liên quan đến an ninh cung ứng điện năng của đất nước.
Do vậy, EVN đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới để đánh giá toàn diện tình hình tài chính của các Genco nhằm đưa ra các giải pháp làm lành mạnh tài chính của các Genco, tạo sức hấp dẫn khi IPO.
Thanh Hương