Doanh nghiệp
Kế hoạch phát triển của IBM Việt Nam năm 2014
Hữu Tuấn - 19/01/2014 21:28
Phóng viên trao đổi với ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM Việt Nam về xu hướng thị trường công nghệ thông tin và chiến lược của IBM tại Việt Nam năm 2014.

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi phí và công nghệ thông tin (CNTT) thường là hạng mục đầu tiên bị tính đến. Ông nghĩ thế nào về tình trạng này?

Dù còn nhiều khó khăn, song không ít doanh nghiệp vẫn hướng đến CNTT như một lĩnh vực chiến lược giúp họ hoạt động hiệu quả và giành được sự tin tưởng, yêu thích của khách hàng.

Kế hoạch phát triển của IBM Việt Nam năm 2014
Ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM Việt Nam

Theo nghiên cứu mới nhất của IBM, khi được hỏi, lãnh đạo doanh nghiệp tại các nước ASEAN đều cho rằng, bên cạnh thị trường, công nghệ là nhân tố bên ngoài quan trọng nhất tác động đến các doanh nghiệp trong năm 2013.

Chúng ta có thể nhận thấy doanh nghiệp trong một số ngành, như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm tại Việt Nam tiếp tục đầu tư vào công nghệ để đẩy mạnh tăng trưởng.

Họ sử dụng các giải pháp CNTT có tính năng phân tích để hiểu rõ khách hàng hơn, quản lý rủi ro và kiểm soát tài chính hiệu quả hơn.

Ví dụ, như Trung tâm Thông tin di động khu vực 2 (VMS2) đã trở thành tổ chức đầu tiên trên thế giới triển khai giải pháp di động doanh nghiệp trên nền tảng điện toán đám mây của IBM để đổi mới hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Phương Đông… cũng đã lựa chọn các giải pháp trong lĩnh vực điện toán thông minh, cơ sở hạ tầng CNTT và an ninh – bảo mật của IBM.

IBM nhận định ra sao về tình hình các doanh nghiệp năm 2014, trong tương quan với việc đầu tư cho CNTT và ứng dụng CNTT?

Như các nhà kinh tế đã nhận định, năm 2014 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi khá lạc quan với những tín hiệu “ấm lên” của thị trường Việt Nam, với những cải thiện trong chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ…

Trong năm 2014, những doanh nghiệp đề cao tầm quan trọng của CNTT trong việc mang lại lợi thế cạnh tranh sẽ tiếp tục đầu tư cho việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng CNTT, sẵn sàng cho việc xử lý các khối lượng dữ liệu khổng lồ, từ thông tin về thị trường cho đến thông tin về sản phẩm, khách hàng. CNTT sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có các dự báo tốt hơn và đưa ra những quyết định kinh doanh phù hợp.

Vậy doanh nghiệp Việt Nam đang có sự thay đổi và thích ứng như thế nào trong bối cảnh mới?

Về mặt nhận thức, tôi nhận thấy rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang nhanh chóng tiến lại gần với các doanh nghiệp hiệu quả trên thế giới, khi đang dần có sự thay đổi quan điểm cơ bản từ “lấy sản phẩm làm trung tâm” chuyển sang “lấy khách hàng làm trung tâm”, thậm chí là “chịu ảnh hưởng của khách hàng”.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu ý thức khá rõ rằng, trong một thế giới mà dữ liệu chủ yếu do người dùng tạo ra, chìa khóa để có thể duy trì được các mối quan hệ thực chất và lâu dài với khách hàng là hiểu rõ về khách hàng và biết cách phục vụ họ tốt hơn, phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang gặp khó khăn trong việc đổi mới tổ chức, cũng như thay đổi suy nghĩ của các nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng. Việc đáp ứng những biến động của thị trường và kỳ vọng của khách hàng vừa là thách thức về mặt công nghệ, vừa là thách thức trong việc quản lý thay đổi và hành vi.

Xu hướng đáng chú ý nhất của thị trường năm 2014 là gì, thưa ông?

Một đặc điểm quan trọng trong xu hướng thị trường cũng như xu hướng ứng dụng CNTT ở Việt Nam trong năm 2014 và trong những năm tới là sự tham gia nhiều hơn của các thành viên khác của Ban giám đốc (ngoài CEO), như giám đốc CNTT (CIO), giám đốc marketing (CMO), giám đốc tài chính (CFO)…

Việc đầu tư cho CNTT cần xuất phát từ nhu cầu của các bộ phận nghiệp vụ, vì vậy, các vị thành viên này cần có cùng quan điểm với CEO trong việc đánh giá tác động của các yếu tố bên ngoài đối với doanh nghiệp, cũng như các ưu tiên chiến lược trong nội bộ tổ chức, để từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả.

Vậy IBM sẽ có chiến lược như thế nào tại thị trường Việt Nam trong năm 2014?

Về cơ bản, chiến lược của IBM tại thị trường Việt Nam vẫn là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở điều chỉnh mô hình kinh doanh để mang lại các giá trị cao cho khách hàng Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các khách hàng Việt Nam cùng các đối tác kinh doanh, đối tác đào tạo để tận dụng sức mạnh của CNTT cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và các mục tiêu kinh doanh.

Với cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam, IBM cũng sẽ hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam ứng dụng và khai thác giá trị từ các xu hướng công nghệ mới nổi, như các giải pháp di động, điện toán đám mây, các công cụ phân tích kinh doanh, các công cụ kinh doanh trên mạng xã hội, điện toán thông minh hơn...

Tin liên quan
Tin khác