Ông Krishan Gopaul, Chuyên gia phân tích cấp cao của Hội đồng Vàng thế giới (WGC). |
Giá vàng thế giới có xu hướng diễn biến thế nào trong nửa cuối năm 2023, thưa ông?
Rất khó dự đoán cụ thể giá vàng bởi thị trường luôn biến đổi dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Sự giảm thiểu đầu tư vào quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và thanh vàng có thể xảy ra trong nửa cuối năm 2023, nhưng có thể được bù đắp bởi sự gia tăng đáng kể nhu cầu đầu tư qua các kênh OTC (không giao dịch qua sàn).
Nhu cầu sản xuất trang sức và công nghệ trong năm 2023 có thể duy trì sự ổn định so với năm trước. Tuy nhiên, với việc giá vàng tiếp tục ở mức cao, sức mua sắm của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Về nguồn cung, sản lượng khai thác mỏ dự kiến có thể đạt mức kỷ lục trong năm, nhưng sản lượng tái chế vẫn được hỗ trợ.
Vàng có còn được xem là “hầm trú ẩn an toàn” khi lạm phát Mỹ tháng 7/2023 được kiểm soát ở mức thấp hơn dự báo của các chuyên gia?
Nếu kịch bản suy giảm kinh tế tại Mỹ diễn ra như dự đoán, thì sau nửa đầu năm 2023 đầy mạnh mẽ, thị trường vàng có thể chuyển sang giai đoạn trung lập hơn trong nửa cuối năm. Trong tình hình này, giá vàng có thể nhận được sự hỗ trợ từ sự giảm giá trị của USD, cùng với mức lãi suất trái phiếu ổn định, nhưng vẫn có thể gặp áp lực từ sự giảm nhiệt của lạm phát.
Dựa trên dữ liệu lịch sử, việc các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ ổn định thường đi kèm với mức lợi nhuận hàng tháng của vàng cao hơn so với trung bình. Thị trường vàng cũng có thể diễn biến tích cực hơn trong trường hợp có một cuộc suy thoái kinh tế mạnh mẽ hơn, đi cùng sự gia tăng biến động kinh tế và nhu cầu tránh rủi ro.
Thưa ông, liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất trong 2 quý cuối năm nay và vàng có được hưởng lợi?
Hiện có rất nhiều kỳ vọng về việc ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển đang tiến gần tới giai đoạn kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Quan điểm chung trên thị trường cho thấy, có khả năng xảy ra sự suy giảm nhẹ kinh tế tại Mỹ vào cuối năm 2023 và sự tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển.
Trong bối cảnh này, với lợi nhuận tích cực của vàng trong nửa đầu năm nay, chúng tôi kỳ vọng, giá vàng tiếp tục được hỗ trợ từ biên độ dao động ổn định của lãi suất trái phiếu và giá trị USD đang yếu hơn. Nếu điều kiện kinh tế xấu đi, thì nhu cầu đầu tư vào vàng có thể tăng mạnh hơn. Ngược lại, một kịch bản suy thoái nhẹ hơn hoặc chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn có thể dẫn đến việc rút vốn đầu tư khỏi vàng.
Sức mua vàng của các ngân hàng trung ương thời gian qua ra sao?
Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu giảm trong quý II/2023 do lượng bán ra ồ ạt của Thổ Nhĩ Kỳ vượt trội so với lượng mua ở những nước khác. Tuy nhiên, tổng khối lượng mua vào của các ngân hàng trung ương vẫn duy trì mức cao, lên tới 387 tấn trong 2 quý đầu năm - con số kỷ lục so với cùng kỳ các năm kể từ năm 2000. Xu hướng mua vào tích cực của các ngân hàng trung ương sẽ duy trì trong nửa cuối năm, nhưng có thể không đạt được mức tăng như nửa cuối năm ngoái.
Khảo sát của WGC cho thấy, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam trong quý II/2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông, nguyên nhân là gì?
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tiếp tục giảm tốc, nhu cầu trang sức đã giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, còn dưới 4 tấn trong quý II/2023. Tăng trưởng GDP thấp hơn so với kỳ vọng trong hai quý liên tiếp gây ảnh hưởng đến tâm lý tổng thể của thị trường. Nhu cầu mua vàng thỏi và vàng xu tại Việt Nam cũng giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 9 tấn, do những hạn chế về thanh khoản. Nhà đầu tư vàng tiếp tục ưa chuộng nhẫn vàng vì chi phí thêm khi mua thanh vàng SJC vẫn rất cao. Các yếu tố như tình hình kinh tế, biến động chính trị và chính sách tiền tệ đều có thể tác động đến nhu cầu vàng trong cuối năm 2023.