Doanh nghiệp
Kéo dài lực đẩy hỗ trợ các hãng bay
Bảo Như - 26/11/2020 08:33
Việc tiếp tục áp dụng mức Thuế Bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay quanh mốc 2.100 đồng/lít đến hết năm 2021 sẽ giúp các hãng bay có thêm động lực vượt qua tác động tiêu cực của Covid-19.
Các hãng hàng không trong nước có thể tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng nếu mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay 2.100 đồng/lít được kéo dài đến hết năm 2021. Ảnh: Đức Thanh

Giữ phao hỗ trợ

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính vừa ký công văn số 14244/BTC-CST gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; các bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay.

Ngày 27/7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế BVMT quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Biểu thuế BVMT. Tại Nghị quyết số 979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý áp dụng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít, được áp dụng từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Đây chính là mức hỗ trợ trực tiếp, để giảm giá nhiên liệu bay, chi phí nhiên liệu đầu vào cho doanh nghiệp vận tải hàng không, giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, bù đắp chi phí, tổn thất và phục hồi sau khủng hoảng do Covid-19.

Theo Nghị quyết số 979, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ quay lại mốc 3.000 đồng/lít kể từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục áp dụng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít theo quy định tại Nghị quyết số 979 đến hết ngày 31/12/2021.

“Với mức giảm 900 đồng/lít nhiên liệu bay áp dụng từ 1/8/2020 đến ngày 31/12/2020 đã giúp các hãng hàng không tiết kiệm được khoảng 360-400 tỷ đồng, tương ứng với 72-80 tỷ đồng/tháng”, lãnh đạo Bộ Tài chính tính toán.

Mặc dù thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nhưng do chi phí thuế BVMT sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế BVMT.

Nếu áp dụng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2021, giá nhiên liệu bay sẽ giảm tương ứng là 990 đồng/lít (đã tính thuế VAT). Các hãng hàng không trong nước có thể tiết kiệm khoảng 2.000 tỷ đồng do mức tiêu thụ nhiên liệu bay dự kiến sẽ tăng lên đáng kể khi các đường bay liên tục được mở lại trong năm 2021.

Cầm cự chờ phục hồi

Theo ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Kế toán, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, mặc dù có quy mô không lớn, nhưng đề xuất giảm thuế BVMT là một trong những hỗ trợ quý báu cho các hãng hàng không trong nước.

Ông Hiền nha, do Việt Nam thực hiện rất hiệu quả việc kiểm soát lây nhiễm Covid - 19 trong cộng đồng, nên thị trường hàng không nội địa trong năm nay và sang năm 2021 sẽ phục hồi từng bước, dù khó khăn. Tuy nhiên, thị trường quốc tế sẽ cần thời gian dài hơn.

“Thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng, sụt giảm cả số lượng khách hàng và chuyến bay khai thác. Riêng Vietnam Airlines, tính đến hết năm 2020, số chuyến bay toàn mạng giảm 32,7 ngàn chuyến (giảm 88,2% so với kế hoạch). Khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu khách (giảm 89,3% so với kế hoạch”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Lý giải về đề xuất tiếp tục áp dụng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay quanh mốc 2.100 đồng/lít đến hết năm 2021, Bộ Tài chính cho rằng, ngoài việc chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid -19, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế hội nhập. Việc tiếp tục kéo dài thời hạn thực hiện mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít sẽ không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không mà gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...

“Việc giảm mức thuế BVMT sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp vận hành trong bối cảnh đã suy yếu về dòng tiền, âm về thanh khoản, từ đó góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, gia tăng nhu cầu sử dụng lao động trong ngành hàng không nói chung và tạo hiệu ứng kích cầu sử dụng lao động trong các ngành khác như du lịch, dịch vụ... Từ đó, góp phần thực hiện đảm bảo an sinh xã hội”, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, do tác động của dịch Covid – 19, thị trường hàng không Việt Nam và thế giới suy giảm nghiêm trọng. Tổng thị trường hàng không Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019. Với kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không năm 2022 cũng chỉ bằng xấp xỉ sản lượng năm 2019.
Tin liên quan
Tin khác