Ngân hàng
Kết quả 6 tháng đầu năm của Agribank: Kinh doanh tăng trưởng tốt, nợ xấu nhóm 5 giảm khá mạnh
T.L - 02/08/2021 12:49
Các hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng tốt, thu hồi nợ gia tăng trong khi chi phí hoạt động được tiết giảm giúp lợi nhuận trước thuế Agribank đạt 9.464 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

 

Agribank có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan

Các mảng kinh doanh đều có lãi, tăng mạnh dự phòng rủi ro

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ 2021.

Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 9.464 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 7.572 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, xếp thứ 3 trong nhóm Big4 sau Vietcombank và VietinBank.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngân hàng tăng khả quan là nhờ giảm chi phí hoạt động, tăng thu hồi nợ xử lý rủi ro, đồng thời tất cả các mảng kinh doanh đều có lãi.

Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, Agribank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về tổng thu nhập hoạt động với 33.581 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp chính là thu nhập lãi thuần với 25.973 tỷ đồng, tăng 29%. Thu nhập lãi tăng 3,9% trong khi chi phí lãi lại giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2020 giúp thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng mạnh.

Các hoạt động kinh doanh ngoài lãi cũng tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.527 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020; Lãi thuần từ kinh doanh vàng và ngoại hối đạt 758 tỷ đồng, tăng gần 30%. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng mang về tới hơn 4.293 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó chủ yếu là thu hồi các khoản nợ ngoại bảng, nợ đã xử lý rủi ro tăng 61%, đạt 4.652 tỷ đồng). Đặc biệt, mua bán chứng khoán ghi nhận lãi trên 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 18 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu tăng mạnh thì chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm của Agribank lại giảm gần 6%, còn 11.466 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng chi phí hoạt động trên tổng thu nhập là 16,86%, giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 2,36%, tương ứng tỷ lệ giảm 12,3%.

Chi phí tiết giảm giúp khiến lợi nhuận trước chi phí dự phòng của Agribank tăng mạnh 70% đạt 22.114 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Trao đổi với báo chí trước đó, lãnh đạo Agribank cho biết, mặc dù Thông tư 03 cho phép các ngân hàng được giãn thời hạn trích lập dự phòng cho nợ cơ cấu trong 3 năm, song ngân hàng dự định trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ nợ cơ cấu trong năm nay.

Sau khi trừ chi phí dự phòng rủi ro 12.650 tỷ đồng (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế 6 tháng của Agribank đạt 9.464 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Giảm mạnh nợ mất mất vốn, chất lượng tài sản được cải thiện

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 1.232.051 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% so với đầu năm và tiếp tục dẫn đầu thị trường về thị phần tín dụng. Huy động khách hàng đạt 1.467.071 tỷ đồng, tăng 4,2%.  

Tính đến giữa năm 2021, Agribank đạt tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu 12,7%, cao hơn 2,5% so với cùng kỳ; Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản đạt 0,58%, cao hơn 0,12% so với cùng kỳ; Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản đạt 4,59%, cao hơn 0,06% so với so với cùng kỳ... Các con số này cho thấy, vốn chủ sở hữu của ngân hàng được bảo toàn và tăng trưởng ổn định.     

Được biết, không chỉ ngân hàng mẹ mà kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh của các công ty con của Agribank kết quả rất khả quan. Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã được Công ty Kiểm toán KPMG soát xét thì 4/5 công ty con của Agribank đều có lãi. Trong đó, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) lãi 312 tỷ đồng, hết lỗ luỹ kế. Công ty Bảo hiểm ABIC lãi 209 tỷ đồng. Phương án xử lý pháp nhân của Công ty cho thuê tài chính ALCI đã được NHNN chấp thuận theo đề xuất của Agribank và đang xin ý kiến các bộ ngành để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tỷ lệ nợ xấu Agribank tính tới thời điểm 30/6/2021 là 1,9%, đảm bảo quy định của NHNN. Mặc dù nợ xấu tuyệt đối lớn, song điểm đáng mừng là tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Agribank đã tăng mạnh lên 130% so với mức xấp xỉ 100% cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) của ngân hàng giảm khá mạnh (giảm 13%) so với cuối năm 2020. 

Lợi nhuận cả năm khó tăng mạnh

Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan, song nhiều khả năng lợi nhuận cả năm của Agribank khó tăng mạnh. Covid 19  đang diễn ra hết sức phức tạp, hàng loạt tỉnh, thành phải giãn cách trong quý III/2021 khiến tín dụng tăng chậm lại, nợ xấu có xu hướng tăng, việc thu hồi nợ xấu thông qua tố tụng dân sự và xử lý tài sản đảm bảo cũng sẽ rất khó khăn.

Mặt khác, từ giữa tháng 7/2021 vừa qua, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn. Trước đó, vào tháng 5/2021, Agribank cũng áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trong nước. Cả 2 chính sách này dự kiến sẽ khiến ngân hàng giảm xấp xỉ 7.000- 8.000 tỷ đồng doanh thu từ lãi và phí, khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm chậm lại.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm mới đây, lãnh đạo Agribank cho hay, nửa đầu năm 2021, ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí cho 12.500 khách hàng với dư nợ 30.109 tỷ đồng, cho vay mới hơn 203.000 tỷ đồng cho trên 50.000 khách hàng.  

Ngoài ra, từ đầu năm 2021 đến nay, Agribank đã ủng hộ gần 300 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, trong đó ủng hộ 60 tỷ đồng cho Quỹ Vắc xin của Chính phủ, 83 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch covid-19 cho Hà Nội, TP.HCM và các địa phương có dịch, 33 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế…

Tin liên quan
Tin khác