Doanh nghiệp
Kết quả kinh doanh của “ông lớn” ngành đường sắt: Thấp... ổn định
Anh Minh - 14/08/2018 08:09
Không rơi vào tình trạng thua lỗ, nhưng kết quả kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong những năm gần đây chỉ dao động quanh lối mòn trăm tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả kinh doanh đì đẹt

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 9280/BTC - TCDN gửi Bộ Giao thông - Vận tải về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2016 và 2017 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Đây có thể coi là kết quả “thăm khám” sức khỏe tương đối toàn diện đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do Bộ Tài chính thực hiện theo quy định Nghị định số 87/2015/NĐ - CP của Chính phủ về việc giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tổng công ty Đường sắt Việt Namg đang phải gánh quá nhiều chức năng phi kinh doanh trên nền tảng hạ tầng đã xuống cấp

Cần phải nói thêm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị có đặc thù do Công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ vừa thực hiện nhiệm vụ công ích (quản lý, tổ chức bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt), vừa điều hành giao thông - vận tải đường sắt, cho thuê tài sản thuộc hệ thống kết cấu đường sắt quốc gia.

Chính việc phải gồng gánh quá nhiều chức năng phi kinh doanh trên nền tảng hạ tầng đã xuống cấp là một trong những lý do khiến kết quả kinh doanh của Tổng công ty luôn thấp một cách ổn định. Mức lợi nhuận dao động khoảng 150 tỷ đồng được Tổng công ty duy trì đều đặn trong khoảng 3 năm trở lại đây. Năm 2018, HĐTV Tổng công ty cũng chỉ đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 150 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 5 tỷ đồng so với năm ngoái.

Hiệu quả kinh doanh đì đẹt được thể hiện khá rõ tại Công ty mẹ, khi trong năm 2017, mức lợi nhuận đúng bằng năm 2016 (145 tỷ đồng), đẩy tỷ suất lợi nhuận/doanh thu xuống ở mức 5,6%. Tại thời điểm 31/12/2017, tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là 1.570 tỷ đồng. Qua rà soát, Bộ Tài chính nhận thấy, Công ty mẹ chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính.

Trong năm 2017, có tới 24/26 công ty con có lãi, nhưng lợi nhuận đạt được của các đơn vị này đều thấp. Đặc biệt, các công ty vận tải đường sắt và công ty liên kết hầu hết hoạt động không có hiệu quả, có công ty có lãi nhưng không chia cổ tức, dẫn đến tổng giá trị cổ tức thu về trong năm 2017 chỉ đạt 36 tỷ đồng, tỷ suất cổ tức được chia/tổng giá trị đầu tư là 2,3%.

“Nếu xét về góc độ tài chính, thì việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đánh giá.

Được biết, điểm sáng duy nhất của Công ty mẹ là hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu rất thấp (0,43 lần) so với chuẩn chung 3 lần. Tuy nhiên, việc không cần đến các khoản tín dụng không phản ánh việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quá dư thừa tiềm lực tài chính, mà chủ yếu là không có nhiều dự án đầu tư có tính khả thi cao được triển khai.

Quan ngại các công ty liên kết

Trong khi tình tình tài chính của Công ty mẹ tạm ổn thì “sức khỏe” của phần lớn các công ty con, công ty liên kết lại khá quan ngại. Theo Bộ Tài chính, dù 20/20 công ty con trong lĩnh vực bảo trì đường sắt báo lãi, nhưng lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận/doanh thu thấp. Một số công ty có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu rất lớn như: Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa (7,9 lần); Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh (10,2 lần); Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh (6,1 lần).

Năm 2017, tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 7.767 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 145 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2016, chủ yếu do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội bị lỗ 88 tỷ đồng.

Nguồn: Bộ tài chính

“Đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo người đại diện vốn tại các công ty con bảo trì đường sắt có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn làm rõ nguyên nhân và có biện pháp cơ cấu lại các nguồn vốn huy động để giảm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đảm bảo không vượt quá 3 lần, giảm rủi ro về tài chính”, lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị.

Đối với 2 công ty vận tải đường sắt, kết quả kinh doanh được đánh giá là không hiệu quả, khả năng cạnh tranh với các loại hình vận tải khác (hàng không, đường bộ, đường biển) gặp nhiều khó khăn, trong đó, năm 2017, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội lỗ 88 tỷ đồng.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2017, có 14/17 công ty liên kết có lãi, nhưng rà soát của Bộ Tài chính cho thấy, lợi nhuận của các công ty này rất thấp, hầu hết kinh doanh không hiệu quả, ngoại trừ Công ty cổ phần Khách sạn Hải Vân Nam lãi 166 tỷ đồng/vốn điều lệ 200 tỷ đồng, nhưng lại không tiến hành chia cổ tức.

Trong số 4/17 công ty liên kết lỗ, có khoản đầu tư vốn góp liên doanh của Tổng công ty bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất tại 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu (Hà Nội) để thành lập pháp nhân mới - Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn, thời điểm góp vốn là tháng 6/2013 với giá trị 30 tỷ đồng. Điều đáng nói là, từ khi góp vốn đến nay, do bị Thanh tra Chính phủ cho là có một số sai phạm, nên dự án đầu tư này chưa triển khai, mà chỉ thực hiện kinh doanh trên nền khách sạn cũ, trong đó năm 2016 lỗ 4,047 tỷ đồng; năm 2017 tiếp tục lỗ 4,488 tỷ đồng.

“Bộ Giao thông - Vận tải cần chỉ đạo Tổng công ty phải thực hiện sớm phương án xử lý đối với việc góp vốn bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất nêu trên theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải kiến nghị.

Tin liên quan
Tin khác