Việc hỗ trợ Dự án bằng quyền thu phí tuyến đường TP.HCM - Trung Lương đã không còn phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. |
Cạnh tranh gay gắt
“Đến thời điểm này, chúng tôi đã thông báo kết quả sơ tuyển nhà đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tới các đơn vị nộp hồ sơ quan tâm theo đúng yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT)”, ông Vũ Ngọc Dương, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) - đơn vị được giao làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án này cho biết.
Trước đó, trong Công văn số 1613/BGTVT - ĐTCT gửi PMU Thăng Long vào cuối tháng 2/2019, Bộ GTVT đã yêu cầu đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho các nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ gồm liên danh Idico - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1); Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn (SBRC) - Tập đoàn Cienco4 - Hà Thanh; Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) - Công ty Xây dựng công trình giao thông Trung Quốc (CCCC) - Horizon Invest.
Liên danh nhà đầu tư được Bộ GTVT đánh giá là đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời sơ tuyển là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 - Công ty Thi Sơn - Công ty Bắc Nam - CONICO 703.
Được biết, với tư cách là phân đoạn cuối cùng của tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đại diện PMU Thăng Long cho biết, hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 663 ngày 3/4/2018. Trong vòng 1 tháng (16/4 - 16/5/2018), PMU Thăng Long đã bán được hồ sơ mời sơ tuyển cho 11 nhà đầu tư quan tâm. Với giá bán lên tới 10 triệu đồng/bộ hồ sơ, ông Dương cho rằng, các nhà đầu tư chắc chắc không bỏ một khoản tiền như vậy chỉ để… đọc cho biết.
Tại thời điểm mở hồ sơ dự sơ tuyển (9h ngày 16/5/2018), PMU Thăng Long đã nhận được hồ sơ dự sơ tuyển của 4 liên danh nhà đầu tư đăng ký tham gia. PMU Thăng Long đã tổ chức đánh giá, lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển và trình Bộ GTVT kết quả danh sách rút ngắn.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, quá trình đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ diễn ra phức tạp, do đây là lần đầu tiên, Bộ GTVT tiến hành lựa chọn nhà đầu tư PPP thông qua đấu thầu rộng rãi. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thậm chí đã phải tham vấn ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và hai lần gia hạn hiệu lực hồ sơ dự sơ tuyển để có thể lựa chọn được liên danh nhà đầu tư có năng lực, đáp ứng các tiêu chí của hồ sơ mời sơ tuyển Dự án. Danh sách nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển lẽ ra còn dài hơn nếu một số nhà đầu tư không dính vào các vụ tranh chấp hợp đồng thương mại đang trong quá trình xét xử, hoặc không trót đầu tư quá nhiều vào các dự án BOT trước đó khiến không còn đủ năng lực tài chính theo yêu cầu hồ sơ mời sơ tuyển.
Chưa chắc chắn
Mặc dù được tuyên bố là đã đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển, nhưng liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 - Công ty Thi Sơn - Công ty Bắc Nam - CONICO 703 cũng chưa chắc chắn để trở thành nhà đầu tư tham dự vào vòng đấu thầu thầu trực tiếp.
Trong Công văn 1613, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, việc sử dụng hỗ trợ của Nhà nước đối với Dự án bằng quyền thu phí tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đề cập trong hồ sơ mời sơ tuyển đã không còn phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, Dự án cũng có một số nội dung đang được rà soát điều chỉnh so với trước đây nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả đầu tư công trình.
“Do đó, PMU Thăng Long với trách nhiệm bên mời thầu, thông báo cho nhà đầu tư đáp ứng sơ tuyển về công tác lựa chọn nhà đầu tư Dự án sẽ điều chỉnh và triển khai bước tiếp theo sau khi các nội dung đã đảm bảo được cập nhật, điều chỉnh phù hợp quy định của pháp luật và có ý kiến của cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Trước đó, Bộ GTVT đã triển khai lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn I theo hình thức PPP. Cụ thể, Dự án có tổng chiều dài tuyến 23,6 km, trong giai đoạn I, đầu tư mặt cắt ngang 4 làn xe, rộng 17 m. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 5.408 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng cho giai đoạn hoàn thiện 6 làn xe với kinh phí khoảng 932 tỷ đồng). Thời gian thu phí hoàn vốn công trình khoảng 18 năm 2 tháng (bắt đầu thu dự kiến từ năm 2021) và hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 4 năm 2 tháng (dự kiến từ tháng 4/2028 đến tháng 6/2032).
Tuy nhiên, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, Nhà nước không trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà phải thực hiện qua đấu giá. Số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản, nguồn thu này được ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công và ưu tiên bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng.
Như vậy, việc triển khai thủ tục đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và thủ tục bố trí nguồn vốn sau đấu giá cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ có những vướng mắc nhất định, không khả thi để thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, một dự án đường cao tốc khác cũng chung vướng mắc liên quan đến khoản hỗ trợ từ Nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là Dự án Xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Để gỡ khó cho Dự án, vào tháng 10/2018, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng cho phép thay đổi phương án hỗ trợ của Nhà nước tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với 2 điều kiện cần và đủ: điều chỉnh mức phí từ 1.500 đồng/xe con/km (bằng mức khởi điểm của các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông) lên 2.100 đồng/xe con/km (mức tối đa quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT); Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách khoản kinh phí giải phóng mặt bằng (khoảng 932 tỷ đồng). Với những điều kiện này, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án sẽ khoảng 18 năm, về cơ bản vẫn đảm bảo tính khả thi tài chính để thu hút được nhà đầu tư tham gia.
Đề cập nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho Dự án bằng ngân sách (932 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng) đang chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, tại cuộc họp rà soát tiến độ Dự án hôm 20/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu để tập trung phần vốn này phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, còn dư mới hỗ trợ phương án tài chính của dự án.
Cũng tại Văn bản 1613, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao bộ này triển khai cập nhật, điều chỉnh Dự án đảm bảo phù hợp các quy định hiện hành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (trong đó: Cập nhật tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án; điều chỉnh mức phí; cập nhật phương án tài chính... và khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục tiếp theo (trong đó có triển khai lại thủ tục sơ tuyển) để sớm triển khai Dự án đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương có tuyến đi qua.
Ông Vũ Ngọc Dương thừa nhận, việc điều chỉnh này sẽ tạo ra những khác biệt rất lớn so với hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành cho các nhà đầu tư hồi tháng 4/2018.
“Cơ quan chức năng đang đợi sự đồng ý của Chính phủ đối với những thay đổi trong phương án tài chính để có đủ cơ sở để làm việc với liên danh vượt qua vòng sơ tuyển về khả năng tiếp tục tham gia đấu thầu trong các bước tiếp theo”, ông Dương thông tin.